Sở Y tế ngày 24/6 cho biết Bệnh viện Huyện Bình Chánh (500 giường) sẽ chuyển đổi công năng toàn bộ bệnh viện trở thành "Bệnh viện điều trị Covid-19 Bình Chánh", dự kiến hoạt động từ ngày 25/6.
Bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức chỉ khám chữa bệnh ngoại trú, dừng toàn bộ phần nội trú. Khu dành cho bệnh nhân nội trú được chuyển đổi công năng thành "Bệnh viện điều trị Covid-19 Thủ Đức" theo mô hình tách đôi bệnh viện. Khu dành riêng Covid-19 có 1.000 giường, bao gồm cả giường trẻ em, 25 giường hồi sức. Dự kiến cơ sở này hoạt động từ 28/6.
Cùng với 3.500 giường điều trị Covid-19 hiện có, sự chuyển đổi trên giúp thành phố có đủ 5.000 giường chuyên trị, đáp ứng kịch bản 5000 ca nhiễm mà Bộ Y tế đề nghị thành phố chuẩn bị gần đây. Tổng số bệnh nhân Covid-19 đang điều trị ở TP HCM tính đến hôm nay là 1974 người.
Trong số 9 bệnh viện đang điều trị Covid-19, có 5 bệnh viện đã dùng gần hết giường. Bệnh viện Dã chiến Củ Chi (300 giường) Bệnh viện Điều trị Covid-19 Cần Giờ (600), Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (80) cũng như Nhi đồng 2 (60), và Bệnh viện Điều trị Covid-19 Củ Chi (500), bệnh nhân đã phủ từ 80% đến gần 100% công suất.
Trong số này, các bệnh viện nhi đồng nhận bệnh nhân nhỏ tuổi chuyển viện. Riêng bệnh viện Điều trị Covid-19 Củ Chi nhận bệnh nhân Covid-19 với độ nặng nhẹ và nhiều độ tuổi khác nhau, được trang bị 20 giường hồi sức tích cực.
Nhóm bệnh viện Covid-19 còn nhiều khả năng tiếp nhận bệnh gồm:
Bệnh viện Trưng Vương, điều trị bệnh nhân Covid-19 có các bệnh lý đi kèm cần can thiệp chuyên sâu. Quy mô 1000 giường, trong đó 100 giường hồi sức. Sau 5 ngày hoạt động, nơi này đang điều trị hơn 200 ca.
Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, quy mô 500 giường, gồm khoa hồi sức 60 giường, có khả năng nhận nhiều bệnh nhân nặng chuyển tuyến.
Bệnh viện Chợ Rẫy thuộc Bộ Y tế cũng "chia lửa" cùng Sở Y tế TP HCM với 100 giường hồi sức. Bác sĩ Nguyễn Tri Thức, giám đốc bệnh viện, cho biết nơi này đang điều trị chiến sĩ công an phải can thiệp ECMO cùng 7 bệnh nhân khác.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM đang điều trị 98 ca Covid-19. Trong số này có 14 ca nặng phải thở máy gồm 4 ca can thiệp ECMO (phương pháp hỗ trợ tim phổi nhân tạo) và ba phải lọc máu liên tục.
Do tính chất dễ lây lan hơn của đợt dịch này, thành phố quyết định sử dụng một trong hai mô hình bệnh viện: chuyên điều trị Covid-19; hoặc tách đôi bệnh viện ở nơi nào điều kiện cho phép. Việc không điều trị lẫn Covid-19 trong các bệnh viện đa khoa nhằm hạn chế nguy cơ lây.
Về trang thiết bị y tế, đợt dịch này TP HCM chuẩn bị sẵn kịch bản ứng phó trong tình huống dịch bùng phát 5.000 ca cần điều trị, với 1.000 giường hồi sức, 55 giường đặt trong buồng áp lực âm và 1.000 máy thở. Theo kịch bản, sẽ tăng cường thêm các bệnh viện dã chiến ở Nhà thi đấu Phú Thọ (quận 11), Nhà triển lãm quận 7, Nhà văn hoá thể thao các quận.
Sở Y tế cho biết vẫn đảm bảo trang thiết bị, máy móc cho điều trị Covid-19. Thành phố hiện có 16 máy ECMO nằm rải rác các bệnh viện, và hàng trăm máy thở.
Phó chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức, trong cuộc họp ngày 19/6, khẳng định nguồn lực y tế của thành phố vẫn đáp ứng tốt trong tình hình dịch bệnh hiện nay, chưa cần chi viện từ các địa phương khác.