- Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM được xem như thành trì, tuyến đầu chống dịch của thành phố. Lần này thành trì bị chọc thủng, theo ông tại sao?
Từ khi Covid-19 bùng phát, là nơi chịu trách nhiệm chính trong điều trị Covid-19 của TP HCM, bệnh viện đã tập trung thiết lập hệ thống "phòng thủ", mục tiêu không để lây nhiễm giữa bệnh nhân Covid-19 và y bác sĩ khối điều trị.
Lo ngại nguy cơ lây nhiễm từ bệnh nhân đến khám, chữa bệnh, bệnh viện triển khai nhiều giải pháp như khai báo y tế sàng lọc, cách ly các trường hợp nghi ngờ, có yếu tố dịch tễ. Nhân viên được trang bị các phương tiện phòng hộ, quy trình chống lây nhiễm được thiết lập nghiêm ngặt.
Người bệnh Covid-19 nặng điều trị phòng áp lực âm với hệ thống kiểm soát áp suất và dẫn khí giúp không khí lưu thông một chiều, vừa cải thiện việc chăm sóc bệnh nhân, vừa giảm nguy cơ lây truyền virus, bảo vệ nhân viên y tế, không phát tán mầm bệnh ra môi trường xung quanh.
Bệnh viện cũng thường xuyên xét nghiệm sàng lọc cho nhân viên y tế để bảo đảm "sạch" khi chăm sóc người bệnh. Gần đây, nhằm bảo đảm an toàn cho đội chuyên trị Covid-19, bệnh viện tìm nguồn tài trợ thuê một khách sạn cho nhân viên sau giờ làm việc nghỉ ngơi, hạn chế về nhà để giảm nguy cơ lây bệnh cho người thân hoặc bị nhiễm ngược lại.
Không chỉ nhân viên khối điều trị mà nhân viên khối văn phòng, hành chính cũng được tiêm đầy đủ vaccine, khai báo y tế, mang khẩu trang khi làm việc. Tuy nhiên, nhân viên y tế đã tập được thói quen mang khẩu trang, phương tiện phòng hộ mỗi khi tiếp xúc bệnh nhân, còn nhân viên văn phòng, vốn không tiếp xúc với người bệnh Covid-19, không có được thói quen này, nên không tuân thủ nghiêm khi ngồi làm việc tại văn phòng.
Điều kiện làm việc trong các văn phòng kín, máy lạnh, chật hẹp, cộng với đặc thù công việc phải phối hợp, giao lưu giữa các phòng và đến tận các khoa chuyên môn lâm sàng, cận lâm sàng, dẫn đến 55 nhân viên dương tính nCoV cùng lúc, vừa được phát hiện.
Ngoài ra, một phương thức dễ lây bệnh là khi ăn uống ngồi với nhau, khi nghỉ ngơi trong phòng tập thể. Điều kiện phòng nghỉ ngơi trong các ca trực còn khá chật chội, thường phòng nhân viên trực tại bệnh viện dùng chung cho 4-6 người. Chỉ một người bệnh là cả nhóm nhiễm.
- Bài học kinh nghiệm nào có thể rút ra từ sự cố lây nhiễm lần này?
Nhìn nhận ban đầu, có thể thấy Covid-19 lây cho nhân viên bệnh viện không chỉ trực tiếp từ người bệnh mà còn từ đồng nghiệp nhiễm bệnh trong quá trình tiếp xúc với người thân trong gia đình hoặc các mối quan hệ xã hội bên ngoài.
Hơn 80% trường hợp nhiễm Covid-19 lại hoàn toàn không có triệu chứng nhưng vẫn có thể lây. Một nhân viên nhiễm và mang virus thầm lặng vào bệnh viện sẽ lây cho các đồng nghiệp của mình nếu không thực hiện nghiêm túc 5K.
Do đó, không chỉ cần nâng cao cảnh giác ở khối điều trị, tiếp xúc bệnh nhân, mà cần siết chặt công tác kiểm soát ở tất cả các phòng, ban trong toàn bệnh viện. Đây là một bài học kinh nghiệm rất sâu sắc cho chúng tôi, thủng lưới ở nơi không ngờ tới.
Tất cả nhân viên y tế, kể cả những người không thuộc chuyên ngành sức khỏe công tác trong bệnh viện phải chấp hành nghiêm biện pháp 5K, sau giờ làm việc hạn chế tiếp xúc với người xung quanh, không tụ tập, không đi đến nơi đông người khi không cần thiết để tránh lây nhiễm bệnh từ cộng đồng.
- Cụm lây nhiễm này ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động của bệnh viện cũng như các bệnh viện dã chiến đang điều trị Covid-19 hiện nay của thành phố, khi lực lượng y tế Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới đóng vai trò nòng cốt?
Sự cố lây nhiễm lần này ảnh hưởng đến các hoạt động hậu cần cho công tác điều trị như vận hành hệ thống công nghệ thông tin quản lý mọi mặt hoạt động từ chuyên môn điều trị đến quản trị bệnh viện; công tác sửa chữa bảo trì các khoa phòng, vận hành hệ thống điện nước, vận chuyển bệnh nhân...
Bệnh viện phong tỏa từ ngày 12/6 để khử khuẩn, thực hiện công tác phòng chống dịch, toàn bộ nhân viên bệnh viện phải cách ly trong viện. Tuy nhiên, công tác điều trị bệnh nhân vẫn đảm bảo. Các y bác sĩ có thể hỗ trợ chuyên môn bằng hình thức trực tuyến khi các đơn vị điều trị khác trong thành phố cần.
Công tác xét nghiệm Covid-19 tại bệnh viện vẫn thực hiện như bình thường, mẫu sẽ được giao tại cổng và thực hiện đầy đủ các biện pháp đảm bảo an toàn phòng chống dịch.
Sau khi ghi nhận các nhân viên dương tính nCoV, bệnh viện đã khẩn trương chuẩn bị các khối lầu 3, 4, 5 với 300 giường làm nơi cách ly tập trung cho những F1. Hiện 96 trường hợp nhân viên y tế được cách ly theo diện F1.
Ban lãnh đạo viện tổ chức và vận động cung cấp suất ăn cho nhân viên y tế đang thực hiện cách ly tại đây, đồng thời động viên tinh thần cán bộ công nhân viên cùng nhau vượt qua khó khăn. Rất nhiều nhà hảo tâm đã cùng chung tay giúp đỡ, chia sẻ. 55 nhân viên y tế mắc Covid-19 đều khỏe mạnh, tâm lý ổn định. Không ai ghi nhận triệu chứng bất thường, không sốt, không ho, không đau họng, không mất vị giác, không mất khứu giác...
Chúng tôi có niềm tin trong khoảng một tuần, mọi việc sẽ ổn định trở lại.
- Ông nói gì về cuộc chiến đấu hiện tại với dịch bệnh, khi số bệnh nhân quá đông tạo sức ép lớn lên hệ thống y tế điều trị?
Nhân viên y tế cũng có thể nhiễm bệnh từ ngoài xã hội như mọi người, rồi lây lan vào cơ sở y tế. Một người dân bệnh, phải cách ly gia đình, công ty, công việc ngưng trệ. Một nhân viên y tế bệnh, cách ly không chỉ gia đình mà còn là một đơn vị, khoa phòng, thậm chí cả một bệnh viện, khiến hệ thống điều trị hao hụt tiến tới vỡ trận.
Trong đợt dịch này, TP HCM đã chủ động ứng phó với kế hoạch 5.000 ca nhiễm, với 7 cơ sở điều trị. Khi Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới bị phong tỏa, hai đơn vị gồm Bệnh viện điều trị Covid-19 Củ Chi (hoạt động từ chiều 12/6) và một nửa "tách đôi" của Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (từ ngày 13/6) bắt đầu tiếp nhận điều trị bệnh nhân Covid-19. Nhờ đó việc điều trị người nhiễm nCoV của thành phố không bị ảnh hưởng nhiều trong một khoảng thời gian ngắn hiện tại.
- Mối quan tâm của cộng đồng hiện nay là tại sao tiêm vaccine Covid-19 vẫn bị nhiễm, trong khi gần như thế giới chưa có nghiên cứu nào về hiệu quả vaccine với biến chủng, ngoài các công bố của nhà sản xuất. Cụm lây nhiễm lần này trong nhân viên y tế Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới có thể xem như là cơ hội để nghiên cứu hiệu quả vaccine không?
Không có vaccine nào có thể bảo vệ người tiêm khỏi nguy cơ mắc bệnh hoàn toàn, kể cả khi chủng virus gây bệnh không đột biến. Với các chủng đột biến, đặc biệt tại các vùng bám của kháng thể bảo vệ (spike antigen) thì hiệu quả có thể giảm hơn nữa.
Cụm lây nhiễm lần này trong nhân viên y tế Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM là một điều xui rủi không mong muốn, nhưng cũng có thể xem như là một dịp để nghiên cứu đánh giá hiệu quả vaccine trong một tình huống thực tế.
Bệnh viện đang phối hợp Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford thực hiện nghiên cứu nhằm đánh giá hiệu quả của vaccine ngừa Covid-19 AstraZeneca trên người Việt Nam là các nhân viên y tế Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, khảo sát đáp ứng kháng thể trung hòa sau tiêm liều một, sau tiêm liều hai, sự duy trì của kháng thể sau 3 tháng, 6 tháng, khả năng bảo vệ nhiễm bệnh....
Với 55 nhân viên dương tính sau khi đã tiêm đủ hai liều vaccine, nhóm sẽ phân tích đặc điểm biến chủng virus gây bệnh, nồng độ kháng thể và tương quan tải lượng virus, diễn tiến lâm sàng thời gian sạch virus... Đây chắc chắn là những thông tin khoa học rất bổ ích để hiểu rõ hơn về vaccine dự phòng cho các nhà hoạch định chính sách tiêm chủng.