Ngành y tế năm nay đối mặt nhiều khó khăn do đại dịch để lại. Đó là sự biến động bất lợi về nguồn nhân lực y tế, nguồn thu của các bệnh viện tự chủ bị giảm sút ảnh hưởng đến cân đối thu chi. Bên cạnh đó là tâm lý e ngại, sợ sai trong công tác đấu thầu làm ảnh hưởng ít nhiều đến công tác cung ứng thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế... Cơ sở hạ tầng của một số bệnh viện thành phố xuống cấp nhưng vẫn chưa được đầu tư xây dựng mới.
Trong bối cảnh này, Sở Y tế nhận định thành phố đã kiểm soát được dịch bệnh và phục hồi hệ thống y tế, là một trong 10 hoạt động y tế nổi bật năm 2022.
Từ tháng 5 đến tháng 12 năm ngoái, thành phố thành lập khẩn cấp 32 bệnh viện dã chiến (hơn 42.000 giường), huy động 64 bệnh viện chuyển đổi công năng một phần hoặc toàn phần điều trị Covid (hơn 17.000 giường).
Sau khi kiểm soát dịch bệnh, từ 1/10/2021 đến nay, các bệnh viện dã chiến Covid-19 lần lượt được giải thể. Các bệnh viện tạm chuyển đổi công năng trong thời gian đại dịch được phục hồi chức năng. Số lượt khám chữa bệnh đến nay chưa trở lại như trước dịch nhưng đã cải thiện đáng kể, với gần 30 triệu lượt khám trong 11 tháng đầu năm (năm 2021 là hơn 22 triệu lượt).
"Hệ thống y tế thành phố đã đứng vững sau đại dịch và đang tiếp tục trên đà hồi phục, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe người dân thành phố và các tỉnh, thành khu vực phía Nam", Sở Y tế ghi nhận.

Người dân đến khám bệnh, mua thuốc tại Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP HCM, tháng 11/2022. Ảnh: Quỳnh Trần
Một số hoạt động được Sở Y tế đánh giá là nổi bật trong năm như triển khai chương trình chăm sóc bệnh nhân không lây nhiễm, dịch vụ cấp cứu trầm cảm...
Với mục đích chăm sóc sức khỏe nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, giảm tử vong, thành phố triển khai Gói can thiệp thiết yếu đối với các bệnh không lây nhiễm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO PEN). Nhân viên trạm y tế cùng mạng lưới cộng tác viên sức khỏe chăm sóc các bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng. Thành phố dự kiến tổ chức đấu thầu tập trung cấp địa phương, bổ sung danh mục thuốc điều trị các bệnh không lây nhiễm cho trạm y tế.
Dự báo số người mắc bệnh tâm thần tăng sau đại dịch, TP HCM lần đầu triển khai dịch vụ cấp cứu trầm cảm, do Trung tâm Cấp cứu 115 phối hợp Bệnh viện Tâm thần TP HCM tổ chức, nhằm kịp thời đưa người có biểu hiện trầm cảm nặng đến cơ sở điều trị chuyên khoa. Đường dây nóng 1900 1267 được thiết lập kết nối với các chuyên gia tâm thần. Sau hơn 4 tháng, dịch vụ tiếp nhận 94 cuộc gọi yêu cầu hỗ trợ tư vấn và cấp cứu tâm thần. Trong đó, 40 trường hợp được Cấp cứu 115 tiếp cận đưa đến Bệnh viện Tâm thần điều trị.
Ngăn dịch chồng dịch cũng là một thành công của ngành y thành phố. Năm nay dịch sốt xuất huyết bắt đầu sớm tại TP HCM, ngay sau khi kiểm soát được Covid-19 hồi đầu năm. Số ca sốt xuất huyết và tử vong tăng cao so với mọi năm. Sau đó, đậu mùa khỉ - một bệnh mới nổi khác - xuất hiện. Ngành y tế triển khai nhiều giải pháp, đẩy lui dần dịch sốt xuất huyết, số ca mắc, nặng và tử vong giảm rõ vào những tháng cuối năm. Hai ca đậu mùa khỉ từ nước ngoài về được cách ly điều trị kịp thời, không lây lan ra cộng đồng.

Ghép thận từ người hiến chết não không cùng huyết thống cho một bệnh nhi tại Bệnh viện Nhi đồng 2, ngày 21/8. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Một hoạt động nổi bật khác, theo Sở Y tế, là các bệnh viện đa khoa và chuyên khoa tuyến cuối của thành phố tiếp tục phát triển các kỹ thuật cao, chuyên sâu nhằm không ngừng nâng cao chất lượng điều trị, hướng tới xây dựng thành phố thành trung tâm y tế chuyên sâu ngang tầm khu vực.
Trong đó, Bệnh viện Nhi đồng 2 lần đầu ghép thận cho thiếu niên 15 tuổi từ người hiến chết não không cùng huyết thống. Sau ghép, em không còn phải chạy thận mỗi tuần, trở lại cuộc sống sinh hoạt, học tập bình thường,
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM cùng Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới và Tổ chức OUCRU (Đại học Oxford) triển khai kỹ thuật giải trình tự gene giúp phát hiện và ngăn chặn kịp thời sự lây lan của các dịch bệnh mới nổi như Covid-19, đậu mùa khỉ..
Nhiều kỹ thuật mới được triển khai như xung điện kích thích tủy điều trị đau kháng trị sau chấn thương cột sống (Bệnh viện Nguyễn Tri Phương), ứng dụng xạ trị toàn thân trong ghép tế bào gốc đồng loài cho người bệnh bạch cầu cấp dòng lympho (Bệnh viện Truyền máu Huyết học), giải trình tự gene phát hiện đột biến trong điều trị bệnh nhân ung thư vú, buồng trứng, tụy, tuyến tiền liệt (Bệnh viện Ung Bướu TP HCM), cấy ốc tai điện tử điều trị những bệnh nhân bị điếc sâu, khiếm thính nặng (Bệnh viện Tai Mũi Họng)...
Nhiều công trình đưa vào sử dụng trong năm nay như cơ sở mới hiện đại của Bệnh viện Truyền máu và Huyết học tại Bình Chánh quy mô 300 giường, Trung tâm chuyên sâu phẫu thuật và can thiệp tim mạch trẻ em của Bệnh viện Nhi Đồng 1, cơ sở mới của Bệnh viện Ung bướu hoạt động sau khi đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử là Trung tâm Hồi sức Covid-19.
7 dự án trọng điểm sắp hoàn thành là Khoa khám bệnh - Khối điều trị ngoại khoa Bệnh viện Nhi đồng 1, Trung tâm Sơ sinh - chuyên khoa Bệnh viện Nhi đồng 1, Khu chẩn đoán kỹ thuật cao Bệnh viện Nhân dân 115, Trung tâm Pháp y, Khối ngoại Bệnh viện Nguyễn Trãi, Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp, Trung tâm xét nghiệm y khoa của trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Đây là những cơ sở y tế có quy mô hiện đại, đạt chuẩn khu vực Đông Nam Á..
Năm nay, ngành y tế lần đầu đưa các bác sĩ trẻ tình nguyện cùng máy X-quang kỹ thuật số tích hợp trí tuệ nhân tạo, về xã đảo Thạnh An. Đây là xã đảo duy nhất của thành phố, thuộc huyện Cần Giờ, có khoảng 5.000 người dân, điều kiện y tế thiếu thốn. Các bác sĩ lập hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân, khám sàng lọc các bệnh mạn tính không lây nhiễm như tăng huyết áp, đái tháo đường, hen phế quản, phổi tắc nghẽn mạn tính, đưa người bệnh vào chương trình quản lý.
Ngoài ra, 286 bác sĩ vừa tốt nghiệp được thí điểm đưa về thực hành tại trạm y tế, củng cố nguồn nhân lực y tế cơ sở. Đây là chương trình bác sĩ thực hành lâm sàng tại bệnh viện đa khoa, chuyên khoa gắn với thực hành tại trạm y tế, nhằm cấp chứng chỉ hành nghề bác sĩ đa khoa. Trung bình mỗi trạm y tế được phân bổ một bác sĩ trẻ. Sau 6 tháng triển khai, hầu hết bác sĩ đạt chỉ tiêu về thực hành lâm sàng tại bệnh viện và tại trạm y tế. Dự kiến năm 2023 thêm 212 bác sĩ thực hành tại trạm.
Lê Phương