Thông tin trên được Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi trả lời trong phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 8 của HĐND TP HCM khóa X, chiều 8/12. Theo đó, thực hiện quy hoạch chung sắp tới, TP HCM sẽ bố trí quỹ đất cũng như nghiên cứu các cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư xã hội nhằm phát triển hệ thống các bệnh viện cửa ngõ, bệnh viện chuyên sâu.
Ông Mãi cho biết thời gian qua, UBND TP đã chỉ đạo các cơ sở y tế và cơ sở liên quan rà soát nhu cầu, quy hoạch bệnh viện, đặc biệt là các bệnh viện nêu trên, để triển khai thực hiện.
Trước đó, sơ kết hoạt động 9 tháng, Giám đốc Sở Y tế Tăng Chí Thượng nêu những khó khăn của ngành y tế TP HCM sau đại dịch, trong đó có tình trạng người dân mắc các bệnh tâm thần, bệnh truyền nhiễm, bị chấn thương hoặc bệnh thuộc chuyên khoa chấn thương chỉnh hình còn gặp nhiều khó khăn khi đi khám bệnh. Các bệnh viện gồm Tâm thần, Bệnh Nhiệt đới, Chấn thương Chỉnh hình TP HCM đã xuống cấp, quá tải rất nhiều nhưng chưa được đầu tư xây mới.
Ngoài ra, hệ thống cơ sở y tế tại Thủ Đức chưa xứng tầm mô hình phát triển thành phố trong thành phố, cần ưu tiên bố trí quỹ đất để mở rộng quy mô các bệnh viện TP Thủ Đức, Lê Văn Thịnh và Lê Văn Việt, xây cơ sở hai của Trung tâm cấp cứu 115 trên địa bàn...
Đối với những bệnh viện này, ông Mãi cho biết UBND TP HCM cũng đã có chủ trương rất cụ thể về đất đai, quy hoạch, bố trí nguồn vốn và sẽ triển khai trong thời gian tới. Sẽ có những bệnh viện trước mắt cải tạo hiện hữu, sau đó thực hiện quy hoạch và xây dựng mới theo thủ tục.
Ngoài ra, ông Mãi cũng cho biết Bộ Y tế có đề nghị thành phố đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng hơn nữa để triển khai các bệnh viện như Nội tiết, Chợ Rẫy, các trung tâm của Bộ Y tế hay mở rộng khu điều trị kỹ thuật cao của Bệnh viện Thống Nhất. Tất cả những công việc này thành phố đều tham gia với trách nhiệm của địa phương. Hơn nữa nếu các cơ sở này phát triển thì những bệnh viện trên địa bàn cũng sẽ được giảm tải. Đồng thời, thành phố sẽ triển khai các kế hoạch để nâng cấp, hiệu quả hoạt động của Trung tâm cấp cứu 115.
"UBND sẽ kiên trì xây dựng TP HCM thành trung tâm điều trị chuyên sâu một số lĩnh vực, trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe của cả nước và vùng Đông Nam Á", Chủ tịch UBND thành phố nói.
Cũng tại phiên chất vấn, ông Mãi cho biết TP HCM còn "nợ" hơn 900 tỷ đồng hỗ trợ sau Covid-19, đã tìm được nguồn chi và sẽ sớm thực hiện. Đây là lần thứ hai ông Mãi đăng đàn trả lởi chất vấn trước HĐND thành phố, kể từ khi nhậm chức hồi tháng 8 năm ngoái.
Kỳ họp thứ 8 HĐND TP HCM khóa X diễn ra trong ba ngày 7-9/12. Ngày làm việc đầu tiên, các đại biểu nghe 5 báo cáo và 28 tờ trình của UBND TP HCM về kinh tế - xã hội năm 2022, nhiệm vụ năm tới; thu, chi ngân sách; dự án thu hồi và chuyển mục đích sử dụng đất... Thường trực HĐND thành phố báo cáo kết quả giám sát chuyên đề thực hiện Nghị quyết 131/2020 về tổ chức chính quyền đô thị.
Phần lớn thời lượng của ngày làm việc thứ hai dành chất vấn Chủ tịch UBND Phan Văn Mãi, Giám đốc Sở Công Thương Bùi Tá Hoàng Vũ và Chủ tịch UBND quận 6 Lê Thị Thanh Thảo. Ngày cuối, các đại biểu sẽ thông qua khoảng 30 nghị quyết và biểu quyết bầu bổ sung một số Ủy viên UBND TP HCM.
Mỹ Ý