Trong công văn gửi các tỉnh liên quan chiều 10/4, chính quyền thành phố cho biết tổng nhu cầu vật liệu làm Vành đai 3 ước tính gần 15 triệu m3, gồm: cát, đất đắp nền và cát, đá xây dựng. Trong đó, riêng cát đắp cần 7,2 triệu m2 và loại vật liệu này đang găp khó khăn về nguồn cung.
Để bảo đảm tiến độ khởi công dự án vào tháng 6 tới như kế hoạch, UBND thành phố đề nghị Tây Ninh, Bình Dương và Bình Phước cho khai thác cát ở hồ Dầu Tiếng, đồng thời chỉ đạo các đơn vị cung cấp thông tin về các mỏ ở khu vực này cũng như hỗ trợ việc khảo sát, kiểm tra chất lượng.
Phương án sử dụng nguồn cát ở hồ Dầu Tiếng được Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra tại buổi làm việc với Phó thủ tướng Trần Hồng Hà hồi tháng 3. Lòng hồ này có trữ lượng cát lớn và thời gian qua các địa phương đã cấp phép cho một số doanh nghiệp khai thác.
Với diện tích mặt hồ khoảng 270 km2 Dầu Tiếng là hồ thuỷ lợi lớn nhất Việt Nam, nằm trên địa bàn ba tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước. Ngoài điều tiết nước xuống sông Sài Gòn, hồ Dầu Tiếng còn phục vụ tưới tiêu cho các khu vực sản xuất nông nghiệp ở Tây Ninh và các địa phương lân cận như Bình Dương, TP HCM, Long An.
Trước đó, chính quyền thành phố cũng kiến nghị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang hỗ trợ, chia sẻ nguồn vật liệu cho Vành đai 3. Tuy nhiên, do khu vực phía Nam đang triển khai đồng loạt nhiều tuyến cao tốc nên vật liệu cho tuyến vành đai vẫn đang gặp nhiều khó khăn.
Vành đai 3 TP HCM được đầu tư giai đoạn một dài hơn 76 km, tổng đầu tư hơn 75.300 tỷ đồng, sẽ được khởi công tháng 6 năm nay, dự kiến hoàn thành năm 2026. Đây là tuyến đường chiến lược, ngoài kết nối giao thông liên vùng TP HCM còn thúc đẩy kinh tế, xã hội cả Vùng trọng điểm phía Nam.
Gia Minh