Kiến nghị được Phó chủ tịch UBND TP HCM Lê Hòa Bình gửi Thủ tướng hôm 29/3, sau đề xuất của nhà đầu tư. Các tuyến buýt này được đánh giá phù hợp chủ trương phát triển vận tải công cộng, giảm ô nhiễm; giúp kết nối, đáp ứng nhu cầu di chuyển của người dân ở các khu dân cư mới, chưa được xe buýt phủ tới. Kiến nghị này trước đó được Bộ Giao thông Vận tải đồng thuận.
5 tuyến buýt được đề xuất mở, gồm: VB01 (Vinhome Grand Park - Trung tâm thuơng mại Emart, dài 27 km); VB02 (Vinhome Grand Park - Sân bay Tân Sơn Nhất, 30 km); VB03 (Vinhome Grand Park - Bến xe buýt Sài Gòn, 29 km); VB04 (Vinhome Grand Park - Bến xe miền Đông mới, 8,5 km); VB05 (Vinhome Grand Park - Bến xe miền Đông mới - Khu đô thị ĐH Quốc gia, 10 km).
Xe hoạt động trên các tuyến có 65-70 chỗ (đứng, ngồi), chạy bằng điện. Giá vé đề xuất 3.000 đồng mỗi lượt cho học sinh, sinh viên và 5.000-7.000 với nhóm khách còn lại, tùy tuyến. Các tuyến sử dụng điểm đầu, cuối hiện phục vụ xe buýt, gồm: bến xe buýt Sài Gòn; bãi hậu cần số 1; sân bay Tân Sơn Nhất, bến xe buýt ký túc xá B Đại học Quốc gia; bến xe miền Đông mới. Ngoài ra, nhà đầu tư sẽ xây trung tâm vận hành, sửa chữa, bảo trì, trạm sạc, bãi đỗ xe...
Bốn năm trước, TP HCM thí điểm 3 tuyến buýt điện loại 12 chỗ do doanh nghiệp khai thác, giá 12.000 đồng mỗi lượt, phục vụ khách tham quan, dân cư ở quận 1 và khu Phú Mỹ Hưng, quận 7. Các tuyến này được đánh giá giúp đa dạng loại hình vận tải, tạo điều kiện đi lại cho khách tham quan, du lịch.
Thành phố hiện có 128 tuyến xe buýt, gồm 91 tuyến trợ giá và 37 tuyến không trợ giá. Mỗi năm thành phố trợ giá trung bình 1.000 tỷ đồng cho hệ thống xe buýt.
Gia Minh