Sở Giáo dục và Đào tạo đang phối hợp Sở Y tế và các trường TP HCM xây dựng bộ tiêu chí này, trình UBND TP HCM trước ngày 30/4, theo đề nghị của Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân chiều 13/4. Trên cơ sở của bộ tiêu chí đưa ra, thành phố sẽ tổ chức học, đảm bảo an toàn cho học sinh, sinh viên sau khi kiểm soát được Covid-19.
Theo PGS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, tiêu chí đầu tiên cần buộc các trường nắm thông tin khai báo y tế từng ngày của giảng viên, sinh viên. Làm được điều này, trường phải xây dựng hệ thống dữ liệu để biết mọi người đi đâu, tham gia sự kiện nào, có hay không đến nơi đông người...
"Nếu nắm chắc dữ liệu, khi có sự cố trường với ngành y tế sẽ chủ động rà soát đúng người, khoanh vùng kịp thời xử lý", ông Dũng nói.
Bộ tiêu chí đánh giá chỉ số rủi ro lây nhiễm nCoV cũng cần buộc các trường bố trí sinh viên ngồi học đảm bảo khoảng cách an toàn. Nếu trước đây mỗi bàn có 3 sinh viên, giờ còn một. Các lớp đông sinh viên (70-100 người) phải được chia nhỏ.
Khuôn viên trường học phải luôn sạch sẽ, phun thuốc, khử khuẩn thường xuyên. Sinh viên đến trường được đo thân nhiệt, cung cấp khẩu trang, nước rửa tay. Trường phải hạn chế tối đa tập trung đông người, không tổ chức hội thảo, sự kiện; tăng cường dạy trực tuyến...
Cho rằng mỗi trường có điều kiện dạy và học khác nhau, ông Dũng đề xuất bộ tiêu chí không nên cứng nhắc khi đánh giá, cho điểm, chỉ cần đưa các đầu việc với từng yêu cầu cụ thể. "Hiện, trường nào cũng mong mỏi được mở cửa trở lại nên sẽ thực hiện nghiêm túc khi có bộ tiêu chí chứ không làm cho có hay làm lấy lệ", ông Dũng nói.
TP HCM hiện có hơn 50 trường đại học với 600.000 sinh viên đến từ khắp cả nước, nếu không kiểm soát tốt dễ xảy ra lây nhiễm. TS Trần Đình Lý (Hiệu phó Đại học Nông Lâm TP HCM) cho rằng, bộ tiêu chí cần quy định điều kiện y tế, nhân sự để xử lý tình huống khẩn cấp. Ngoài ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 cấp trường, cần lập các đội phản ứng nhanh để hỗ trợ các đầu việc.
Đại học Nông Lâm TP HCM có hơn 22.000 sinh viên, khuôn viên rộng 118 ha, các dãy phòng học cách xa nhau đảm bảo điều kiện giãn cách. Tuy nhiên, trường vẫn tính toán chỗ ngồi của sinh viên trong phòng học đảm bảo an toàn. Ngoài việc khử khuẩn phòng học, trang bị khẩu trang, trường chuẩn bị thêm máy đo thân nhiệt, bộ phận y tế.
Lãnh đạo nhiều trường ở khối phổ thông cũng đồng tình cần xây dựng bộ tiêu chí rủi ro nhiễm nCoV, sau đó các trường sẽ huy động nhân sự, cơ sở vật chất để kiểm soát tốt sức khỏe học sinh. Thời gian đầu ở mỗi trường chỉ nên cho 1-2 khối đi học, khi đảm bảo an toàn mới tăng dần số lượng.
Theo bà Hoàng Thị Minh Liên (Hiệu trưởng trường THCS- THPT Nhân Văn, quận Tân Phú), với cấp THPT chỉ nên cho học sinh khối 12 đi học trước bởi các em cần kịp tiến độ cho kỳ thi THPT quốc gia, xét tuyển đại học. Các khối khác có thể tổ chức học trực tuyến và học bù.
Nếu khối 10, 11 tiếp tục học từ xa, trường sẽ dư phòng để chia nhỏ các lớp 12, tạo khoảng cách an toàn cho học sinh. Các em khi vào lớp phải đeo khẩu trang, mặt nạ nhựa chắn giọt bắn, hạn chế tụ tập dưới sân trường, căn tin...
Từ sau Tết hơn 1,7 triệu học sinh TP HCM nghỉ học để phòng chống Covid-19. Họp với Chính phủ ngày 10/4, Bí thư Thành uỷ TP HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng nếu thành phố tiếp tục kiểm soát tốt dịch bệnh, học sinh có thể trở lại trường giữa tháng 5.