Sau thông tin căn hộ 25m2 có thể giải cơn khát nhà nhỏ giá rẻ, độc giả Quang Le ý kiến:
Đô thị lớn ở Việt Nam (quanh quẩn 10-12 triệu dân) hiện tại chỉ có TP HCM và Hà Nội. Diện tích đất cả hai thành phố đều lớn, hạ tầng giao thông tương đối rộng khắp, đặc biệt là Hà Nội với đủ tuyến cao tốc bao quanh vậy tại sao thiếu đất xây dựng nhà ở?
Hà Nội, TP HCM không khiêm tốn diện tích như Hong Kong hay Singapore, và lãnh thổ Việt Nam không manh mún như Nhật Bản, vậy tại sao dân ta lại phải ở trong không gian nhỏ hẹp?
Cái chính là tổ chức quy hoạch vùng, đô thị chưa rõ ràng, thiếu khoa học, quản lý xây dựng lỏng lẻo, khiến mật độ dân cư phân bổ bất cân xứng, chưa kể lãng phí đất đai.
Số lượng chung cư, nhà ở trên thực tế là rất nhiều, tuy nhiên do các chủ đầu tư và cơ quan quản lý xây dựng, quy hoạch tập trung phát triển mô hình cao cấp để cung ứng cho nhu cầu cả ở lẫn đầu cơ của một bộ phận nhỏ có tiền trong xã hội, khiến cho giá bất động sản nói chung và chung cư nói riêng tăng phi mã, bất hợp lý. Một bộ phận lớn dân số còn lại khó có thể tiếp cận dù có nhu cầu ở thực sự.
Khi dòng tiền đầu cơ không đủ để tiếp tục thổi giá lên nữa, thị trường đầu cơ bất động sản giá trị cao trở nên bão hoà thì các nhà đầu tư mới dành sự quan tâm đến túi tiền của phần đông còn lại.
Nhưng tại sao lại là 25 m2 chứ không phải là 70 hay 100 m2? Đó là bởi vì sau vòng xoáy bão giá, giá đất đã bị đẩy lên cao. Những chung cư cao cấp vốn được kỳ vọng lợi nhuận kếch xù từ dòng đầu cơ nay bị ế ẩm, đang gồng gánh lãi vay.
Vậy giải pháp gì để giữ vững biên lợi nhuận và bù đắp thiệt hại cho những tính toán sai lầm: Chia nhỏ ra để dễ bán cho người có thu nhập thấp hay nói cách khác là gom nhiều lợi nhuận nhỏ vẫn được một lợi nhuận lớn, mà chi phí bán hàng (như tổ chức tiếp thị, như ưu đãi phân kỳ thanh toán,...) cho nhóm khách hàng bình dân này, vốn đang cần nhà ở, có khi lại thấp hơn.
Vậy nên không dám vơ đũa cả nắm, nhưng rõ ràng có một bộ phận không nhỏ nhà đầu tư chỉ quan tâm đến giải quyết vấn đề của mình bằng cách kéo lùi chất lượng cuộc sống của khách hàng, của xã hội.
Giải pháp hiện nay là cơ quan chức năng cần xác định chuẩn diện tích cho người dân một cách nhân văn chứ không nên dựa theo thực tế méo mó hiện nay và quyết không thương lượng tiêu chuẩn này với bất cứ một dự án dân sinh nào. Bên cạnh đó, cần quy hoạch vùng và đô thị một cách có tầm và chiến lược lâu dài hơn.
Hiện tại ngoài hai đô thị lớn thì các đô thị khác cũng đang phát triển mạnh mẽ, thậm chí đồng bộ hơn như Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ góp phần thu hút dân số vùng, giảm áp lực cho hai đô thị lớn.
Ngoài ra, kế cận Hà Nội có Bắc Ninh, kế cận TP HCM có Bình Dương, Đồng Nai, Long An hiện đều đủ năng lực về tiện nghi và cung cấp việc làm để trở thành đô thị vệ tinh của hai thành phố lớn, chia sẻ đáng kể áp lực dân số.
Chỉ cần tổ chức tốt hơn giao thông kết nối giữa các đô thị vệ tinh và hai đô thị lớn, đặc biệt là bằng phương tiện công cộng; đồng thời phát triển năng lực y tế của các đô thị vệ tinh lên tương đương, thì người dân sẽ an cư.
Về phía doanh nghiệp bất động sản, các vị đã kiếm được rất nhiều từ những giai đoạn thăng hoa của ngành, trong kinh doanh có thăng có trầm và hiện tại là nốt trầm, các vị phải biết chấp nhận để chủ động cắt lỗ.
Cổ nhân có câu: Thứ gì mình không muốn thì đừng bao giờ làm với người khác. Các vị chắc chả ai muốn sống an cư trong căn hộ 25 m2, vậy thì đừng bao giờ biến nó thành lựa chọn không có lợi cho cả cộng đồng.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.