Sở Y tế TP HCM ngày 29/6 cho biết các xe này có kết cấu khoang riêng biệt giữa người bệnh và nhân viên y tế và tài xế. Số lượng và chủng loại xe đa dạng đảm bảo đáp ứng theo nhu cầu số lượng người cần vận chuyển.
Tài xế tham gia vận chuyển được tiêm vaccine phòng Covid-19, được huấn luyện và cấp giấy chứng nhận sử dụng trang phục phòng hộ, vệ sinh khử khuẩn phương tiện, thiết bị theo phương tiện vận chuyển, tuân thủ các quy định phòng và kiểm soát lây nhiễm Covid-19.
Sở Y tế TP HCM sử dụng loại xe này trong bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, số ca mắc tăng cao nhưng phần lớn là không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, chiếm trên 80%, chưa thật sự cần thiết được vận chuyển với kíp cấp cứu trên xe cứu thương đến các bệnh viện điều trị Covid-19. Trong khi đó, số lượng xe cấp cứu được huy động ở mức cao nhất đảm bảo an toàn tuyệt đối cho chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19.
Xe cấp cứu được ưu tiên vận chuyển người bệnh có triệu chứng, triệu chứng nặng hoặc nguy kịch đến các bệnh viện điều trị Covid-19 hoặc bệnh viện hồi sức chuyên sâu, tương ứng với các cơ sở điều trị theo mô hình "tháp ba tầng".
TP HCM đang phân tuyến theo mô hình điều trị "tháp ba tầng" từng được Bộ Y tế triển khai tại tỉnh Bắc Giang, gồm cấp không triệu chứng (bệnh viện dã chiến), cấp có triệu chứng nhẹ, trung bình (bệnh viện điều trị Covid-19 ở bốn cửa ngõ thành phố) và cấp điều trị bệnh nhân nặng (bệnh viện tuyến trung tâm thành phố).
TP HCM đang trong bợt bùng phát Covid-19 cộng đồng lớn nhất từ trước đến nay, với gần 3.500 ca từ 27/4 đến sáng 29/6, xếp thứ hai cả nước. Các bệnh viện thành phố đang điều trị hơn 3.000 bệnh nhân.