"Khi có thông tin F0, dù ngày hay đêm, nếu không khẩn trương đi gom những người tiếp xúc diện F1 đưa vào khu cách ly kịp thời, chừng 2-3 ngày sau có khi bùng dịch ở khu vực ấy, đặc biệt là những nơi đông đúc như siêu thị", anh Hậu nói với VnExpress.
Anh Nguyễn Khánh Hậu, 35 tuổi, là nhân viên y tế chuyên trách phòng chống dịch, công tác tại khoa Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế TP Thủ Đức khu vực 2 (quận 9 cũ). Trước đây, mọi hoạt động vận chuyển F1 phải nhờ đến xe cấp cứu của bệnh viện trên địa bàn.
Từ ngày 26/5, TP HCM bắt đầu phát hiện ổ dịch liên quan nhóm truyền giáo Phục Hưng, lớn nhất từ trước đến nay. Do nhiều yếu tố thuận lợi, dịch bùng phát mạnh trong những ngày đầu, cao điểm ghi nhận 70 ca bệnh một ngày. Khu vực anh Hậu phụ trách, số F1 quá nhiều, xe cấp cứu bệnh viện không thể hỗ trợ đủ nhu cầu vì còn phải chở cấp cứu bệnh nhân.
Ngày 29/5, trung tâm mượn được một chiếc xe cứu thương nhưng chưa có tài xế. Chống dịch cần gấp rút, anh Hậu xung phong nhận nhiệm vụ đưa rước F1. "8 năm trong nghề, đây là lần đầu tôi lái xe cứu thương. Công việc bất đắc dĩ nhưng đang trong thời gian cấp bách, làm được gì thì ráng làm", anh chia sẻ.
Sau khi điều tra, lên danh sách, hướng dẫn các giấy tờ, thủ tục cho người tiếp xúc diện F1, anh lái xe đưa mọi người đến khu cách ly. Theo anh Hậu, khối lượng công việc của ngành y tế đang quá tải, làm "một công đôi việc" thế này sẽ giúp đỡ tốn thời gian, công sức của nhiều người, tiết kiệm nhân sự cho việc khác.
"Xe hoạt động suốt, mỗi ngày chạy gần hết một bình dầu", anh nói. Gần hai tuần qua, anh không thể nhớ đã cầm vô lăng chở bao nhiêu người từ các khu vực phong toả đến nơi cách ly. Lần chở người đi cách ly đông nhất là lúc anh nhận nhiệm vụ hộ tống 140 người ở công ty may Phong Phú đi cách ly trong đêm.
Tốn thời gian, công sức nhất là khi gặp những trường hợp F1 phản đối, không chịu hợp tác đi cách ly, anh phải giải thích nhiều lần. Có người đã đồng ý, đến giờ đi cách ly lại đổi ý. Đôi khi anh phải nhờ đến lực lượng chức năng ở khu phố hỗ trợ. "Nếu để đến mức công an cưỡng chế, người dân sẽ bị phạt, lại tốn thời gian nhiều nên tôi thường cố gắng vận động", anh Hậu kể.
Cũng có nhiều người dân hợp tác, sẵn sàng chia sẻ khó khăn cùng ngành y tế. Có lần anh chở F1 đến khu cách ly thuộc phường Long Thạnh Mỹ nhưng đột ngột hết phòng, liên hệ khu cách ly tại khu vực quận 2 cũ cũng không còn chỗ.
"12 người trên xe, trong trang phục bảo hộ, chấp nhận ngủ tạm dưới đất để chờ thành phố kích hoạt khu cách ly tại Đại học văn hoá TP HCM", anh Hậu chia sẻ. "Đôi khi có những khu cách ly mới mở chưa kịp chuẩn bị đủ chiếu, gối, người dân cũng chấp nhận vào ở chứ không kêu ca phàn nàn".
Xe của anh lăn bánh khắp 13 phường của địa bàn quận 9 cũ. Người dân dần quen thuộc nên thường mua nước đóng chai, làm sẵn cơm hộp tiếp tế. "Dù công việc vất vả nhưng những tình cảm thế này khiến mình thêm tinh thần", anh Hậu chia sẻ.
Điện thoại lại réo chuông khi anh đang ăn bữa cơm chiều. "Thời điểm này không thể tính đến chuyện kiệt sức hay quá tải, phải nỗ lực đưa những người nguy cơ cao đi cách ly, xét nghiệm thì mới mong mau dập được dịch", anh Hậu nói, khi chiếc xe lăn bánh, tiếng còi cấp cứu vang vọng.