Động thái này được Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM đưa ra ngày 7/10, trước tình trạng nhiều giáo viên và phụ huynh gặp khó khi dạy học với chương trình, sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 1 mới.
Theo đó, giáo viên căn cứ điều kiện thực tế của nhà trường, chủ động xây dựng kế hoạch dạy học cho phù hợp. Thầy cô có thể tận dụng tối đa các tiết thực hành, ôn tập để hỗ trợ, hướng dẫn học sinh.
Tùy yêu cầu cần đạt được của từng môn học, giáo viên cũng có thể chia thành từng "chặng", điều chỉnh nội dung dạy học gần gũi, dễ hiểu để học sinh nắm vững các kiến thức, kỹ năng.
Ở lớp, thầy cô không đặt ra yêu cầu chung với tất cả học sinh để tránh gây áp lực cho các em tiếp thu bài chưa tốt. Thay vào đó, giáo viên sẽ phân loại các em theo đặc điểm riêng để có cách dạy phù hợp.
Ví dụ, môn Tiếng Việt, giáo viên có thể điều chỉnh giảm yêu cầu cần đạt ở một số kỹ năng trong thời gian đầu năm học. Với kỹ năng đọc đoạn văn, những học sinh đọc chưa tốt chỉ cần yêu cầu đọc được từ ngữ có chứa âm, chữ hoặc vần mới rồi đọc câu ngắn. Những em này có thể vừa đánh vần vừa đọc.
Với kỹ năng viết, những em chưa viết tốt chỉ yêu cầu viết được chữ ghi âm mới, viết đúng độ cao, độ rộng; chưa đặt ra yêu cầu viết đẹp hoặc viết được các chữ ghi tiếng, ghi từ.
Sở đề nghị thầy cô ghi nhận sự tiến bộ của học sinh dù là nhỏ nhất, tuyệt đối không chê bai, phê bình các em còn yếu. Với học sinh tiếp thu bài chưa tốt, giáo viên có thể mời phụ huynh trao đổi, phối hợp để giúp các em tiến bộ.
Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM Nguyễn Văn Hiếu cho biết, quan điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới là trao quyền tự chủ cho giáo viên. Hiệu trưởng các trường phải hỗ trợ giáo viên, nhất là những lớp có số lượng học sinh vượt quy định.
Về phía phụ huynh, ông Hiếu trấn an "đừng quá sốt ruột", trường sẽ điều chỉnh phù hợp để chuyển tải kiến thức đến các em. "Thông thường, thời gian đầu trẻ sẽ khó khăn trong chữ viết và phát âm, nhưng hết học kỳ 1 các em sẽ theo được chương trình", ông Hiếu nói.
Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM cũng nêu nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng học sinh khó tiếp cận với chương trình, sách giáo khoa mới. Năm học trước, trẻ mầm non nghỉ phòng chống Covid-19 kéo dài, các em không được học đầy đủ chương trình giáo dục mầm non của lớp lá. Việc làm quen với con chữ trước khi vào lớp 1 không được rốt ráo như mọi năm.
Năm học mới 2020-2021 diễn ra muộn hơn so với mọi năm hai tuần, ngày 1/9 tựu trường, đến ngày 7/9 mới thực học nên các em chỉ có thời gian ngắn để làm quen với trường lớp, thầy cô. Sự chuẩn bị tâm lý và trang bị kỹ năng cần thiết cho học sinh trước khi học lớp 1 có nhiều hạn chế, nhất là với trường sĩ số đông.
Kết quả đợt khảo sát đầu năm học mới cũng nêu, các trường đã xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình lớp 1 phù hợp, giáo viên bước đầu áp dụng được các phương pháp, kỹ thuật dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Nề nếp dạy học ở nhiều nơi bắt đầu ổn định.
Tại TP HCM, 80% trong 550 trường tiểu học chọn bộ sách Chân trời sáng tạo của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho học sinh lớp 1. Số trường còn lại lựa chọn sách trọn bộ, hoặc theo kết hợp nhiều sách ở từng bộ sách: Cánh diều (Nhà xuất bản Đại học Sư phạm phối hợp Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP HCM, Công ty CP Đầu tư Xuất bản - Thiết bị giáo dục Việt Nam); Kết nối tri thức với cuộc sống; Cùng học để phát triển năng lực; Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục (Nhà xuất bản Giáo dục).
Trước đó, nhiều giáo viên dạy lớp 1 phản ánh, sách giáo khoa mới, nhất là Tiếng Việt có tiến độ bài học nhanh, yêu cầu cao hơn chương trình cũ khiến học sinh khó theo kịp. Không chỉ giáo viên, phụ huynh cũng chật vật khi kèm con học.