Tại họp báo thường kỳ quý III chiều 30/9 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông Thái Văn Tài cho biết đã nắm bắt thông tin một số phụ huynh chia sẻ trên các diễn đàn về việc chương trình lớp 1 mới "nặng", nhưng chưa nhận được phản ánh từ cơ sở giáo dục, giáo viên, nhà khoa học.
Theo ông Tài, chương trình mới có quy định chuẩn đầu ra và khung thời lượng năm học rất rõ ràng. Ví dụ môn Tiếng Việt, chuẩn đầu ra nêu rõ một phút học sinh phải đọc được bao nhiêu từ, việc đọc viết ra sao. Để đạt chuẩn đó, học sinh sẽ học 420 tiết. Các sách giáo khoa Tiếng Việt đã được thẩm định cũng dựa trên khung thời lượng và chuẩn đầu ra để thiết kế cho phù hợp nhằm đi đến cái đích đó.
So với chương trình lớp 1 cũ, nội dung chương trình Tiếng Việt mới có phần tinh giản hơn nhưng thời lượng được kéo dài hơn, tăng từ 350 lên 420 tiết. Như vậy, về mặt khoa học, học sinh không hề phải học nặng hơn.
Tuy nhiên, chương trình mới được điều chỉnh dựa trên quan điểm là cố gắng giúp học sinh đọc thông viết thạo càng sớm càng tốt và xem đó là điều kiện để học các môn khác. Vì vậy, trong giai đoạn đầu, các em học môn Tiếng Việt rất nhiều.
"Nếu phụ huynh có con học lớp 1 năm ngoái rồi năm nay lại có con học lớp 1 sẽ dễ có tâm lý so sánh, từ đó đánh giá chương trình nặng, nhưng thực tế không phải vậy. Chúng ta đang cố gắng bố trí để các em đọc thông viết thạo sớm rồi học các môn khác ở giai đoạn sau. Chẳng hạn Toán, chương trình mới chỉ xếp 70 tiết ở lớp 1 và sẽ được sắp xếp học nhiều ở giai đoạn sau hơn", ông Tài nói.
Theo Vụ trưởng Giáo dục tiểu học, trong chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra nội dung bắt buộc khác với chương trình cũ là có thể điều chỉnh khi triển khai. Như vậy quá trình thực hiện, Bộ sẽ tiếp tục lắng nghe các ý kiến, phản biện, vấn đề phát sinh. Khi có đầy đủ căn cứ khoa học, qua các giai đoạn, đánh giá nhiều mặt, chương trình sẽ được điều chỉnh kịp thời.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành nhiều văn bản khẳng định quyền tự chủ chuyên môn của giáo viên. Chương trình giáo dục phổ thông mới quy định chuẩn đầu ra, thời lượng môn học, sách giáo khoa tạo đường hướng cho giáo viên. Giáo viên phải phân tích chương trình, sách giáo khoa để xây dựng kế hoạch dạy học làm sao để học sinh đạt được chuẩn đầu ra.
Việc xây dựng kế hoạch dạy học dựa trên nhiều yếu tố như điều kiện đảm bảo triển khai kế hoạch chuyên môn, học sinh. "Chúng tôi đi kiểm tra nhiều trường học ở các địa phương và thấy các trường có kế hoạch triển khai rất khác nhau, tuỳ vào điều kiện, sở trường của giáo viên, nhưng đều hướng tới việc đảm bảo chuẩn đầu ra", ông Tài thông tin và tái nhấn mạnh việc đánh giá chương trình "nặng" lúc này là không đủ căn cứ xác đáng. Chương trình đã được thẩm định bởi hội đồng quốc gia và được đưa vào trường học với quy định rất chặt chẽ.
Từ năm học 2020-2021, học sinh lớp 1 học sách giáo khoa mới theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phê duyệt 5 bộ sách giáo khoa, của 3 nhà xuất bản biên soạn. Tuy nhiên, qua hơn ba tuần học, nhiều phụ huynh, giáo viên phàn nàn sách quá nhiều chữ, khó hiểu, thiết kế các bài học với tốc độ nhanh khiến học sinh không thể tiếp thu.