Tình trạng không nhớ được chữ của con chị Thanh Hà, 35 tuổi, quận Ba Đình, Hà Nội, diễn ra từ ngày khai giảng đến nay. Tối nào hai mẹ con cũng như "đánh vật", con phát khóc, mẹ thì bất lực. "Đến mặt chữ con còn chưa nhớ thì nói gì đến đánh vần và đọc trơn", người mẹ thở dài nói.
Con chị Hà học lớp 1 ở một trường tiểu học công lập có sử dụng sách Toán và Tiếng Việt trong bộ "Cùng học để phát triển năng lực". Giờ mới giữa tuần học thứ tư, nhưng ở môn tiếng Việt con đã học đến chữ r và s, tức gần hết bảng chữ cái. Trong đó, các chữ ghép như gh, kh đã được dạy chứ không phải học hết bảng chữ cái rồi mới học tới chữ ghép như trước đây.
Chị Hà kể, sách hướng dẫn viết chữ không thống nhất khiến trẻ bị loạn. Chẳng hạn chữ b, trong sách in chữ "b" theo dạng tiếng Anh, có bụng to, nhưng lại phải viết theo kiểu tiếng Việt là có uốn móc khiến con phân vân không biết chữ nào mới đúng và thường xuyên bị nhầm với chữ d khi xem sách giáo khoa. Hay như chữ k, trong sách viết theo kiểu ba đoạn thẳng, còn khi tập viết lại viết giống chữ h có thêm một xoắn ở giữa.
Về cách đọc, thay vì đánh vần, giờ các con chỉ đọc trơn. Chẳng hạn với con đầu, chị vẫn dạy như ngày xưa mình được học, chữ "Lăng" thì đánh vần là "ă ngờ ăng, lờ ăng lăng", nhưng giờ chỉ đọc là "lờ ăng lăng". Với môn Toán, nếu phụ huynh không đọc đề bài và giải thích, con sẽ không làm được vì nhiều chữ, khó hiểu. Chị Hà hiện phải tìm thầy cô dạy kèm vì không thể dạy con.
Cùng cảnh ngộ, chị Ngọc Thủy, 32 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội, phải sắp xếp công việc để về sớm 30 phút mỗi ngày, dành thời gian kèm con buổi tối. Năm nay, con chị học bộ sách "Cùng học để phát triển năng lực" cho tất cả môn. Lần đầu xem sách giáo khoa mới môn Tiếng Việt, chị Thủy nhăn mặt vì yêu cầu của đề bài quá dài so với khả năng đọc hiểu của một đứa trẻ mới vào lớp 1.
Người mẹ 32 tuổi lấy ví dụ về bài tập đọc quả su su trong bài 4C học âm r và s: "Khi su su ra quả, lá và rễ già đi. Quả su su nghĩ là nhờ rễ, nhờ lá mà có nó". Sau đó, bài học hỏi học sinh "Quả su su nghĩ gì?". Chị Thủy cho rằng phần đọc quá dài đối với một học sinh vừa học nhận mặt chữ r và s, cùng với đó câu hỏi "nghĩ gì?" cũng khiến học sinh gặp khó.
"Đọc trôi chảy hết nội dung bài các con cũng chưa thành thạo chứ đừng nói tìm chi tiết trong bài để trả lời câu hỏi", chị Thủy nói và cho rằng nếu lớp ít học sinh, giáo viên còn có thể quan tâm, sát sao nhưng với lớp đông e rằng việc học không đảm bảo chất lượng.
Anh Minh Hùng, 36 tuổi, ở Hoàng Mai, Hà Nội, cũng stress khi dạy con học. Lên các diễn đàn dành cho phụ huynh có con học lớp 1 để xin kinh nghiệm dạy học, anh Hùng đọc được nhiều ý kiến cho rằng sách Tiếng Việt trong bộ "Cánh diều" mà con trai đang học là "nhẹ nhàng" hơn các bộ còn lại. Thế nhưng anh vẫn cảm thấy bế tắc vì không biết dạy con sao cho dễ hiểu, dễ nhớ.
Phụ huynh này cho biết thêm với sách Toán, anh không hiểu nếu cô giáo hay bố mẹ không đọc và giải thích từng từ, con làm cách nào để hiểu đề bài. "Đến tuần thứ tư con vẫn đang học chữ theo bảng chữ cái mà đề Toán là một câu có nghĩa và dài thì làm sao con có thể tự hiểu mà làm được", anh Hùng đặt câu hỏi.
Không chỉ phụ huynh, sách giáo khoa mới còn gây khó khăn với cả giáo viên. Từ sau khai giảng, cô Quỳnh Chi, 33 tuổi, giáo viên lớp 1 tại một trường tiểu học tại Hà Nam, thường xuyên phải giải đáp, hướng dẫn phụ huynh cách dạy con học bài theo sách mới. Cuối tuần, có người còn mang cả bộ sách đến nhà cô Chi để hỏi tỉ mỉ, nhờ hướng dẫn vì cảm thấy bất lực, không biết nên dạy con thế nào.
Tại trường tiểu học công lập nơi cô Chi công tác, môn Tiếng Việt, Tự nhiên và Xã hội, Đạo đức học bộ "Cùng học để phát triển năng lực", còn môn Toán thuộc bộ "Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục".
Cùng quan điểm với các phụ huynh, cô Chi nhận xét đề bài của môn Toán dài và chưa khoa học, trong khi học sinh chưa đọc được tiếng chứa vần. Nếu như trước kia, các số từ 6 đến 10, mỗi bài chỉ học một số thì sách mới chia thành hai bài 5, 6, 7 và 8, 9, 10, mỗi bài học ba số. Tương tự với các dấu <, > và =, chương trình trước kia học chậm, chia nhỏ thì nay gộp chung một bài khiến học sinh lẫn lộn.
Với Tiếng Việt, trước kia chỉ học một bài một chữ hoặc âm, sách mới mỗi bài 2-3 chữ, gồm cả âm ghép. Vì khối lượng kiến thức tăng lên, cô Chi không còn nhiều thời gian ôn tập cho học sinh như trước. "Bạn nào chậm hơn là đuối hẳn vì không tải được hết số lượng âm phải học trong ngày, trong tuần", cô Chi chia sẻ. Để học sinh không bị nản và sợ học, cô giáo dành thêm 30 phút sau mỗi buổi học để kèm thêm các em đọc kém.
Với vở tập viết, tác giả đưa phần viết số từ 1 đến 9 vào. Trên một dòng, học sinh được yêu cầu vừa viết số 4 ly và 2 ly. "Tôi không hiểu mục đích đưa việc viết số 4 ly vào để làm gì trong khi môn Toán chỉ áp dụng viết số 2 ly", cô giáo nói.
Đa số phụ huynh than phiền với cô Chi về phần đọc hiểu cuối mỗi bài học quá khó, khối lượng kiến thức nhiều khiến học sinh không có thời gian nghỉ ngơi. "Tôi cũng động viên và làm công tác tư tưởng cho phụ huynh, tuy nhiên chính mình còn thấy đau đầu với sách mới", cô giáo nói.
Ngày 22/1/2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố 32 cuốn sách giáo khoa lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới ở tám môn học đã được Bộ trưởng phê duyệt.
Trong 32 cuốn sách, có năm cuốn Tiếng Việt, năm cuốn Toán, năm cuốn Đạo đức, ba Tự nhiên và Xã hội, một Giáo dục thể chất, năm Âm nhạc, năm Mỹ thuật và ba cuốn Hoạt động trải nghiệm. Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chiếm ưu thế khi có tới 24 cuốn, hợp thành 4 bộ sách. Hai nhà xuất bản Đại học Sư phạm Hà Nội và Đại học Sư phạm TP HCM, mỗi cơ sở có bốn cuốn, hợp thành một bộ sách "Cánh diều" hoàn chỉnh.
Ngày 20/1, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo phê duyệt thêm sáu cuốn sách giáo khoa tiếng Anh lớp 1 mới. Trong 6 cuốn này, có hai cuốn của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, một cuốn của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm và ba cuốn của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP HCM.
Thanh Hằng - Dương Tâm