Họp về tình hình hoạt động xe buýt tại TP HCM ngày 9/7, ông Lê Hoàn, Phó giám đốc Trung tâm quản lý giao thông công cộng (Sở Giao thông Vận tải) cho biết, việc đấu thầu 45 tuyến xe buýt được chia thành 6 đợt, bắt đầu từ quý 3 năm nay. Doanh nghiệp tham gia đấu thầu đáp ứng tiêu chí của Ngân hàng Thế giới: sau 5 năm các xe phải mua mới, chạy đúng giờ, đúng lộ trình, xe sạch sẽ...
Những tiêu chuẩn trên sẽ được lượng hóa bằng con số cụ thể, để tính điểm và thực hiện thanh toán trợ giá dựa theo điểm số doanh nghiệp đạt được. Hiện, Trung tâm quản lý điều hành giao thông đô thị TP HCM có dữ liệu của 15.000 chuyến xe, cung cấp 8 triệu dữ liệu trong ngày, để đánh giá chất lượng xe buýt.
"Các tiêu chí đơn vị tư vấn nước ngoài đưa ra hơi cao. Tuy nhiên, vì sự phát triển của xe buýt thành phố, chúng tôi sẽ tiếp thu những nội dung họ yêu cầu", ông Hoàn cho biết.
Những năm qua việc bố trí kinh phí trợ giá xe buýt theo phương thức thành phố đặt hàng cho các Hợp tác xã được cho không sát với thực tế hoạt động xe buýt. Ba năm qua, trợ giá xe buýt tăng dần (từ 1.058 tỷ đồng năm 2018, lên 1.188 tỷ đồng năm 2019 và 1.311 tỷ đồng năm 2020) nhưng không đủ kinh phí để xe buýt hoạt động.
Nhiều đơn vị vận tải xe buýt lâm vào khó khăn vì trợ giá thiếu hụt, chậm thanh quyết toán các khoản công nợ và hợp đồng đặt hàng từ năm 2012 đến nay. Một số doanh nghiệp, hợp tác xã không đủ tiền trả lương, nhiên liệu.
Một xã viên thuộc Hợp tác xã vận tải và du lịch Thanh Sơn dẫn chứng tuyến xe số 17 (lộ trình: Bến xe Chợ Lớn - ĐH Sài Gòn - Khu chế xuất Tân Thuận), cự ly gần 16 km, tổng chi phí nhiên liệu và trả lương nhân viên mỗi ngày khoảng 1,3 triệu đồng. Tuy nhiên, mức tạm ứng tiền trợ giá mỗi tháng đến tay xã viên chỉ khoảng 5 triệu đồng, khiến họ gặp khó do lượng khách đi xe có xu hướng giảm.
Ông Nguyễn Văn Lèo, Tổng giám đốc Công ty cổ phần vận tải TP HCM, cho biết với mức tạm ứng tiền trợ giá như hiện nay, doanh nghiệp đã "cạn" tiền và gặp nhiều khó trong việc duy trì hoạt động.
Lượng hành khách đi xe buýt cũng giảm dần qua các năm. Cụ thể, giai đoạn 2014-2018, khách đi xe buýt giảm bình quân 6,65% mỗi năm. Đến năm 2019, lượng khách đi xe buýt chỉ đạt khoảng 255 triệu lượt, giảm 12,1% so với mức 289,9 triệu lượt so với năm 2018. Năm nay dự kiến chỉ còn 159 triệu lượt.
Hiện, TP HCM có 128 tuyến xe buýt hoạt động, trong đó có 91 tuyến có trợ giá, 37 tuyến không trợ giá. Mới đây, ba tuyến xe buýt 2, 11, 144 ngưng hoạt động, nâng tổng số tuyến ngừng chạy lên 11 kể từ năm 2018.
Hà An - Hạ Giang