Từ ngày 1/7 các tuyến xe buýt có trợ giá số: 2 (Bến Thành - Bến xe Miền Tây); 11 (Bến Thành - Đầm Sen); 144 (Bến xe Miền Tây - Chợ Lớn - Công viên Đầm Sen - Cư xá Nhiêu Lộc) ngưng khai thác theo quyết định của Sở Giao thông Vận tải TP HCM. Như vậy, tính từ năm 2018 đến nay, có 11/105 tuyến xe buýt ở TP HCM có trợ giá ngưng hoạt động vì nhu cầu đi lại thấp, không hiệu quả.
Liên quan đến hoạt động xe buýt, hôm 26/5, Sở Giao thông Vận tải gửi văn bản Sở Tài chính đề xuất điều chỉnh, bổ sung dự toán chi ngân sách trợ giá xe buýt năm nay thêm 161 tỷ đồng, nâng lên 1.311 tỷ đồng. Nguyên nhân có nhiều thay đổi về tổ chức cùng việc thích ứng, đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 ảnh hưởng đến điều hành, hoạt động xe buýt.
Lượng khách giảm trong khi ngân sách hỗ trợ ngày càng tăng đặt ra lo ngại hệ thống xe buýt hoạt động kém hiệu quả. Cụ thể, từ năm 2009 thành phố đặt mục tiêu đến năm 2020, vận tải hành khách công cộng đáp ứng khoảng 20% nhu cầu đi lại của người dân. Nhưng sau 10 năm chật vật, tỷ lệ này không tăng mà còn giảm và hiện chỉ đáp ứng khoảng 10% nhu cầu.
Theo thống kê, năm 2012 lượng khách đi xe buýt ở TP HCM đạt trung bình 305 triệu lượt mỗi năm. Nhưng giai đoạn 2014-2018, khách đi xe buýt giảm bình quân 6,65% mỗi năm. Đến năm 2019, lượng khách đi xe buýt chỉ đạt khoảng 255 triệu lượt, giảm 12,1% so với mức 289,9 triệu lượt so với năm 2018. Năm nay dự kiến chỉ còn 159 triệu lượt.
Để duy trì hệ thống xe buýt, hàng năm TP HCM chi ngân sách hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải. Năm 2002, khi hệ thống xe buýt của TP HCM được tái cơ cấu với 8 tuyến xe buýt mẫu hoạt động, thành phố chi 40 tỷ đồng trợ giá. Khoảng 10 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm TP HCM bỏ ra cả nghìn tỷ đồng trợ giá cho loại hình vận tải này.
Nguyên nhân khiến xe buýt hoạt động chưa hiệu quả được cho là thiếu cơ sở hạ tầng, việc bố trí các tuyến chưa hợp lý để kết nối thu hút người dân sử dụng. Thành phố hiện có khoảng 70% tuyến đường bề rộng dưới 5 m, dẫn đến khó tổ chức cho người dân tiếp cận trạm xe buýt có bán kính nhỏ.
Cùng với đó, sự phát triển của xe ứng dụng công nghệ cạnh tranh trực tiếp với xe buýt nhờ sự tiện lợi, cơ động và chi phí gần bằng đi xe buýt. Nếu năm 2016, hành khách đi xe công nghệ chỉ có 20,8 triệu lượt thì đến năm 2019 tăng lên hơn 191 triệu lượt, tác động không nhỏ đến thói quen đi lại của người dân.
Theo ông Võ Khánh Hưng, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải, lượng khách đi xe buýt năm 2019 giảm có nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, việc lượng khách giảm không liên quan đến đề xuất bổ sung kinh phí trợ giá. Được giao 1.150 tỷ đồng trợ giá trong năm nay nhưng theo tính toán của Sở, con số này chưa đủ hỗ trợ hoạt động mạng lưới xe buýt hiện nay.
"Sở đang xây dựng đề án tính trợ giá xe buýt đem lại hiệu quả, tiết kiệm, nâng cao công tác quản lý và điều hành hoạt động các tuyến. Chúng tôi cũng đặt ra việc sử dụng thiết bị công nghệ giám sát hoạt động xe buýt", ông Hưng nói.
Trong khi đó, tại buổi làm việc với Ban đô thị - HĐND TP HCM mới đây, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải thành phố Trần Quang Lâm cho biết để thu hút khách, Sở nghiên cứu làn đường dành riêng cho xe buýt; sắp xếp các tuyến buýt hiện hữu và tổ chức mạng lưới phù hợp nhu cầu đi lại của người dân từng khu vực, thời điểm...
Ngoài ra, thành phố cũng bố trí ngân sách trợ giá phù hợp với phương án vé và phương pháp trợ giá, khuyến khích đơn vị vận tải nâng cao chất lượng dịch vụ thu hút khách. "Nếu giảm trợ giá sẽ phải tăng giá vé nhưng làm như vậy xe buýt không cạnh tranh được. Chúng tôi rất muốn làm sao giảm số tiền ngân sách phải trợ giá", ông Lâm nói.
Ông Lâm Thiếu Quân, nguyên đại biểu HĐND thành phố cho rằng, các nước đều phải trợ giá đối với vận tải hành khách công cộng. Cho nên mỗi năm thành phố hỗ trợ cả nghìn tỷ đồng cho xe buýt là điều bình thường. Chưa kể thời gian qua, dịch Covid-19 khiến xe buýt ngừng hoạt động hoặc công suất giảm nên cần được hỗ trợ.
Theo ông Quân, vấn đề trợ giá cần xem xét trong bài toán kinh tế tổng thể chứ không nên nhìn vào số tiền trợ giá trong một lĩnh vực. Chẳng hạn nếu xe buýt thu hút nhiều người đi sẽ giảm lượng xe cá nhân, từ đó tránh được ùn tắc, tiết kiệm tiền bạc, thời gian cho xã hội rất nhiều.
Tuy nhiên mô hình các hợp tác xã kinh doanh xe buýt như hiện nay rất khó để duy trì và phát triển trong thời gian tới. Vì vậy, thành phố phải sớm cải tiến mô hình theo hướng đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải hành khách công cộng là doanh nghiệp nhà nước hoặc doanh nghiệp tư nhân lớn.
"Thành phố cần có một chuyên đề về vận tải hành khách công cộng từ việc tổ chức, vận hành, trợ giá, giá vé, đặc biệt là kết nối với các tuyến Metro sắp hoạt động", ông Quân nói và cho rằng khi các tuyến Metro đi vào khai thác, ngân sách trợ giá cho loại hình vận tải này còn cao hơn vì chi phí vận hành tàu điện ngầm rất lớn nên việc trợ giá vẫn phải tiếp tục.
Hữu Nguyên