Thông tin này được ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương TP HCM chia sẻ tại buổi họp báo chiều 16/7. Nguyên nhân được cho là các địa phương cùng áp dụng chỉ thị 16 khiến nhiều người miền Tây cũng tranh thủ trữ mặt hàng này. Do đó, các nhà cung cấp tại TP HCM khó thu mua và luôn trong tình trạng không đảm bảo được nguồn hàng đáp ứng nhu cầu người dân.
Cũng theo ông Phương, hiện giá trứng trong các siêu thị vẫn ổn định và đang thấp hơn nhiều so với ngoài thị trường. Do đó, mấy ngày gần đây đã xảy ra tình trạng một số cá nhân gom trứng trong siêu thị bán ra ngoài hưởng lợi gây thiếu cục bộ.
"Để tránh tình trạng này, nhiều siêu thị đã ra quy định chỉ bán mỗi người tối đa 2 vỉ trứng", ông Phương nói và cho rằng, sắp tới để nguồn hàng được dồi dào, Sở Công Thương TP HCM sẽ làm việc với các tỉnh miền Đông và Tây Nguyên để kết nối nguồn hàng cho thành phố.
"Chúng tôi mong các tỉnh không chỉ hỗ trợ việc kết nối nguồn hàng cho TP HCM mà việc lưu thông cũng cần có sự thống nhất để không bị ách tắc khi vận chuyển", ông Phương nhấn mạnh và cho biết, hiện nay các doanh nghiệp cung ứng hàng hóa đang rất áp lực. Bởi mỗi tỉnh một quy định riêng khiến hoạt động lưu thông gặp khó.
Theo Sở Công Thương, trước khi thực hiện Chỉ thị 16, mỗi ngày người dân thành phố cần 7.000 tấn thực phẩm gồm rau, củ, trái cây, thịt gia súc, gia cầm. Khi 3 chợ đầu mối dừng hoạt động, việc cung ứng gặp khó khăn, sản lượng thông qua các chợ đầu mối chỉ đạt 2.700 tấn, giảm hơn 50%.
Hiện nay Sở đã huy động các siêu thị nâng quy mô, năng lực cung ứng từ 1.130 tấn lên 2.465 tấn nhưng so với nhu cầu của người dân vẫn thiếu hụt khoảng 1.000 tấn rau, củ, quả, thực phẩm tươi sống...
Theo đó, các điểm bán hàng lưu động đang được tăng cường để giảm tải cho hệ thống siêu thị. Riêng với các chợ truyền thống tạm ngưng, Sở Công Thương đã cho thí điểm mở lại để bán rau. Phú Thọ là chợ đầu tiên được triển khai từ ngày 16/7 với số lượng bán ban đầu là 6 tiểu thương. "Sở đang tiếp tục làm việc với các quận, huyện để đánh giá tình hình và cho mở lại các chợ truyền thống có đủ điều kiện phòng chống dịch. Các chợ sẽ hoạt động theo mô hình tự quản", ông Phương nói.
Theo đó, lực lượng phụ nữ, thanh niên sẽ tham gia giám sát hoạt động của chợ, theo mô hình giảm thiểu tối đa sạp chợ, thực hiện 5K, bổ sung màn chắn... Đồng thời có thể hướng dẫn tiểu thương bán hàng đồng giá, không giao dịch lâu.
Ngoài ra, các chuỗi kinh doanh hàng hóa cũng đang được cho bổ sung rau, củ quả vào danh mục để bán cho người dân.
Cụ thể, nhóm chuỗi cửa hàng Con Cưng sẽ có 150 điểm bán, chuỗi cửa hàng chuyên kinh doanh mặt hàng sức khỏe 65 điểm bán, chuỗi cửa hàng sắc đẹp và hệ thống Vinshop cũng sẽ đưa mặt hàng rau củ và hàng đông lạnh vào bán...
Bảy công ty logistics cũng được huy động với công suất 1.000 tấn hàng để hạ nhiệt giá thực phẩm của chợ truyền thống. Sở cũng làm việc với Tiki, Lazada, Sendo để thống nhất bán rau, củ quả trên sàn thương mại điện tử và sử dụng chính kho hàng của các đơn vị này.
Với 3 chợ đầu mối, Sở đã làm việc với chính quyền TP Thủ Đức, huyện Hóc Môn để khai thác các khu vực gần chợ đầu mối thực hiện trung chuyển hàng hóa. Đến nay đã đưa vào hoạt động điểm trung chuyển chợ Thủ Đức được 3 ngày, tiếp nhận 100 tấn rau củ quả một ngày từ các địa phương chuyển tới.
Riêng với Chợ đầu mối Hóc Môn đang được đề nghị tìm điểm tập kết để trung chuyển hàng hóa. Theo đó, Sở đề nghị Công ty quản lý chợ này xây dựng phương án phân luồng giao thông, bố trí nơi ăn ở cho người lao động tại điểm trung chuyển, phân khu riêng cho từng đối lượng lao động khác nhau để đảm bảo phương án phòng dịch....
Thi Hà