Duy Khánh, nhân viên một siêu thị tại Thủ Đức, chia sẻ mấy hôm nay đã phải làm việc 18-20 tiếng, mà vẫn không đáp ứng kịp thời thực phẩm, hàng hóa cho người dân. Nhiều đồng nghiệp của Khánh còn bị khách "mắng" vì kệ trống quá nhiều và không châm kịp hàng lên kệ.
Những ngày qua, áp lực dồn lên các trung tâm thương mại, hệ thống bán lẻ ở TP HCM như siêu thị, cửa hàng tiện lợi khi ba chợ đầu mối (Hóc Môn, Bình Điền Thủ Đức) và 151/234 chợ truyền thống đóng cửa vì dịch.
Đại diện Co.op Mart cho biết, từ nhân viên siêu thị cho tới trông xe của chuỗi này phải làm việc từ sáng sớm đến mờ tối vì lượng khách hàng quá đông, trong khi quy định về giãn cách giới hạn số khách được vào tại một khung thời gian.
Nhiều nơi khác cũng phải dùng cách tạm thời đóng cửa, dán thông báo ngưng hoạt động để giảm lượng khách hàng nhưng điều này vẫn không ngăn được người dân đi gom hàng hóa. Hình ảnh cãi cọ, chen lấn, thậm chí xô xát giữa khách với cả bảo vệ siêu thị đã xảy ra.
Để giảm tải, nhiều giải pháp mang tính tức thời được áp dụng nhưng không giảm tải được nhu cầu thiết thực của người dân. Saigon Co.op phát phiếu hẹn giờ cho khách mua sắm, Bách Hóa Xanh giới hạn thời gian vào, MM Mega giới hạn số khách mua, Co.op Mart Xa lộ Hà Nội cử lực lượng an ninh chốt ngoài cửa chia nhóm người dân với số lượng đảm bảo khoảng cách an toàn... Thậm chí, tại MM Mega Market, sáng 14/7, siêu thị phải rào lại cổng không cho khách hàng vào trong.
"Chúng tôi đang hoạt động hết công suất, nhân sự làm ngày làm đêm nhưng do khách hàng tâm lý bất ổn nên kéo đến mua quá đông", một đại diện siêu thị này giãi bày.
Khách đông nhưng các siêu thị lại không có hàng để bán, họ thiếu cả những mặt hàng bình thường, cơ bản nhất là rau và thịt.
Thế Giới Di động, công ty vận hành chuỗi Bách Hóa Xanh, phải có một văn bản giải trình riêng với nhà đầu tư về việc vì sao tăng giá hàng hóa. Công ty cho biết, họ đang gặp tình huống mà "ngành bán lẻ chưa từng đối mặt". Các biện pháp siết chặt việc di chuyển giữa các địa phương giúp ngăn đại dịch Covid-19 phức tạp hơn, nhưng đang làm gián đoạn các chuỗi cung ứng hàng hóa.
Trong giải trình, đại diện Bách Hóa Xanh vẫn nói "không có chủ trương tăng để kiếm lời" nhưng thừa nhận, việc bảo đảm giữ 100% giá bán như trước đợt dịch với một số mặt hàng tươi sống là "điều không thể".
Chi phí vận chuyển, nhân sự tăng vọt khi việc vận chuyển liên tỉnh gánh thêm các khoản phí về xét nghiệm Covid-19, tình trạng ùn ứ kéo dài làm hư hỏng hàng hóa, cho tới việc hàng hóa tăng giá từ phía nhà cung cấp.
"Như Trạm Thốt Nốt, Cần Thơ, xe đi từ TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương dù có xét nghiệm âm tính qua các trạm kiểm soát vẫn phải dừng lại, đổi tài ở tại Cần Thơ có giấy xét nghiệm âm tính ra thay mới được đưa xe vào. Tuy nhiên ở Cần Thơ rất khó để thuê tài xế", đại diện Bách Hóa Xanh phân tích.
Đại diện một chuỗi siêu thị khác cũng cho hay, chuỗi cung ứng hàng hóa của siêu thị này nằm ở nhiều tỉnh thành khác nhau, nhưng do tình hình dịch bệnh đang phức tạp, việc vận chuyển gặp khó khăn, dù là hàng hóa thiết yếu.
Sức ép về vận hành khiến các siêu thị phải co kéo giữa lợi ích người tiêu dùng và việc vận hành hàng ngàn cửa hàng bán lẻ trong giai đoạn hiện nay, giữa làm sao để có hàng bán và bình ổn giá. Chi phí bị đội lên do phải sử dụng một đội ngũ tài xế lớn hơn, đổi tài xế khi đi qua địa phận các tỉnh để đẩy nhanh việc vận chuyển. Chưa kể, chi phí xét nghiệm Covid-19, cho tới đặc thù các mặt hàng tươi sống dễ hư hao khi việc vận chuyện ách tắc đã khiến các chuỗi rất khó xoay xở.
Khách đổ tới đông nhưng lãnh đạo các siêu thị lại thấy lo hơn là mừng khi nghĩ tới nguy cơ lây nhiễm cho các nhân viên. Masan, đơn vị vận hành chuỗi bán lẻ VinMart, VinMart+, cho biết, việc áp dụng tiêu chuẩn 5K (yêu cầu khách đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, đo thân nhiệt và khử khuẩn khi ra vào...) thì chưa đủ để bảo vệ cho nhân viên ngành bán lẻ. Hiện đơn vị này có 40.000 nhân viên nhưng mới khoảng 6.500 người được tiêm chủng.
Tại Mỹ, các hệ thống bán lẻ như Walmart, Kroger và Safeway cũng từng trải qua giai đoạn rủi ro vì nhân viên phơi nhiễm nCoV. Theo Công đoàn Thương mại và Thực phẩm Mỹ (UFCW), chỉ riêng trong giai đoạn tháng 2-4/2020, hơn 1.500 nhân viên siêu thị đã dương tính với nCoV, gần 3.000 người không thể làm việc bởi phải cách ly hoặc chờ kết quả xét nghiệm. Ít nhất 41 người đã tử vong.
Gần đây, Tập đoàn Masan đã gửi công văn đến Thủ tướng, Bộ Y tế... kiến nghị ưu tiên tiêm vaccine cho nhân viên bán lẻ, sản xuất hàng thiết yếu.
Đến nay, ngoài đối tượng công nhân được bổ sung, các lái xe đường dài cũng được đưa vào diện ưu tiên tiêm vaccine.
Minh Sơn - Thi Hà - Tất Đạt