Làm việc với Phó Chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức ngày 19/2, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật thành phố (HCDC), đánh giá đợt bùng dịch vừa qua tại TP HCM hoàn toàn khác với các đợt dịch trước. Giai đoạn cao điểm xảy ra ngay dịp Tết Nguyên đán.
Theo bác sĩ Dũng, ngay từ khi xuất hiện ca nhiễm đầu tiên ở Chí Linh, Hải Dương, ngày 29/1, TP HCM đánh giá tình hình, xác định khả năng đợt dịch này sẽ bùng lớn, phải nỗ lực chiến đấu với nhiều khó khăn. Toàn thể nhân viên HCDC từ đầu tháng 2 thống nhất không nghỉ phép, không về quê ăn Tết, 100% túc trực tại TP HCM chống dịch. Những cán bộ, nhân viên đã mua vé máy bay, tàu xe từ trước, được hỗ trợ liên hệ các đơn vị vận chuyển để hoàn vé.
Từ ngày 30/1, TP HCM triển khai xét nghiệm giám sát toàn bộ nhân viên Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, nơi nhiều nguy cơ lây nhiễm. Ngày 5/2, hệ thống giám sát chủ động TP HCM phát hiện ca chỉ điểm tại cụm dịch sân bay Tân Sơn Nhất - "bệnh nhân 1979", nhân viên công ty dịch vụ mặt đất (VIAGS). Từ trường hợp này, 8 nhân viên bốc xếp, giám sát hàng hóa tại sân bay cùng nhóm và 26 người nhà của nhóm nhân viên, được phát hiện dương tính nCoV. Ngày 30 Tết, chuỗi lây nhiễm dừng lại ở con số 35, cho tới nay.
Với vai trò đầu tàu trong phòng chống dịch, HCDC đã phối hợp các đơn vị khác, triển khai nhiều biện pháp, thực hiện nhanh việc khoanh vùng, truy vết, cách ly, xét nghiệm, phong toả các điểm liên quan. "Chiến lược xét nghiệm thần tốc khi đã khoanh vùng được nguồn lây chính là yếu tố quyết định giúp kiểm soát chuỗi lây nhiễm sân bay Tân Sơn Nhất", bác sĩ Dũng nhận định.
Thời gian qua, TP HCM đã thực hiện gần 45.000 xét nghiệm, trong đó số xét nghiệm đến mùng 4 Tết là gần 40.000 mẫu. Những ngày gần đây, trung bình mỗi ngày hơn 1.000 mẫu, mở rộng xét nghiệm giám sát nhiều nhóm đối tượng để đánh giá nguy cơ.
Từ chiều 30 Tết đến hết mùng 3 Tết (tức ngày 11/2 đến 14/2) chiến dịch lấy mẫu xét nghiệm tầm soát ở các chợ đầu mối, chợ truyền thống, bến xe, khu nhà trọ, quanh khu công nghiệp... tiếp tục thực hiện. Tổng số 9.480 mẫu, trong đó có 2.939 mẫu là của nhân viên y tế, tất cả đều có kết quả âm tính nCoV.
Để đảm bảo hành khách đến và đi tại sân bay Tân Sơn Nhất, nhân viên sân bay phải xét nghiệm trước một ngày vào ca, có kết quả âm tính nCoV mới được làm việc. Hơn 1.600 hộ gia đình của nhân viên công ty VIAGS cũng được yêu cầu xét nghiệm tầm soát từ ngày 10/2.
Sau kỳ nghỉ Tết, TP HCM triển khai giám sát người từ vùng dịch trong nước đến thành phố, tiếp nhận khai báo y tế, lấy mẫu ngẫu nhiên tại sân bay, ga tàu, bến xe, trạm y tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, doanh nghiệp. Đến sáng 19/2, TP HCM tiếp nhận 150.577 khai báo y tế, trong đó 186 trường hợp chuyển cách ly tập trung, 12 cách ly tại nhà, còn lại tự theo dõi sức khỏe. Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm giám sát 4.861 ngẫu nhiên tại sân bay, bến xe, ga tàu, trong đó 3.764 âm tính, 1.097 đang chờ kết quả.
TP HCM cũng xét nghiệm giám sát lần ba cho toàn bộ nhân viên công ty VIAGS, đã lấy mẫu 1.555 trường hợp, tất cả âm tính. 143 nhân viên trong tổ giám sát, bốc xếp hành lý, đang cách ly, kết quả xét nghiệm hai lần âm tính.
"Chứng tỏ TP HCM đã phát hiện rất sớm những trường hợp nhiễm bệnh trong chuỗi này, kịp thời ngăn chặn và cắt đứt", bác sĩ Dũng nói.
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức ghi nhận tinh thần làm việc chủ động, hy sinh vì cộng đồng của các nhân viên y tế thành phố. Theo ông Đức, ngày 8/2, TP HCM phát hiện 25 ca nghi nhiễm, là "số ca nhiều nhất trong một ngày, kể từ trước đến nay", tại thành phố.
"Người dân TP HCM đã có một cái Tết an toàn, từ ngày 30 Tết đến nay, dù mở rộng xét nghiệm tầm soát nhưng chưa phát hiện ca nào mới", ông Đức nói. Ngành y tế đã khoanh vùng được đúng nơi xuất phát, cô lập được ổ dịch.
Ông Đức đề nghị dù dịch tạm lắng nhưng mọi người luôn trong tinh thần cảnh giác, thường xuyên rà soát, điều chỉnh các biện pháp để chống dịch hiệu quả. Tình hình dịch có thể thay đổi rất nhanh, cần chủ động làm chủ mọi tình huống phát sinh, vừa đảm bảo chống dịch an toàn nhưng vẫn tạo điều kiện cho kinh tế phát triển. HCDC phải chuẩn bị nhân lực, vật lực sẵn sàng, không để kiệt sức trong những trận chiến tiếp theo.
Ngành y tế cần duy trì chiến lược phòng dịch trong chủ động, để không phải chạy theo sau các ca nhiễm. Ông Đức đánh giá cao năng lực xét nghiệm trong thời gian quan, không để ùn tắc mẫu. "Nếu một mẫu xét nghiệm dương tính, việc chậm trả kết quả vài giờ đã gây hậu quả lớn", ông Đức chia sẻ.