Hệ thống máy xét nghiệm tự động Cobas 4800 công suất 96 mẫu một lần, trả kết quả trong hai giờ. HCDC đang có 5 máy RT-PCR, nhiều thao tác thủ công nên tốn thời gian, công sức của nhân viên y tế hơn. Các máy trước kia giá khoảng 2,5 tỷ đồng mỗi chiếc.
Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho biết việc tự động hóa xét nghiệm giúp tiết kiệm thời gian 30-40%, tăng năng suất, giảm nguy cơ phơi nhiễm cho nhân viên thực hiện. Hệ thống tự động này cũng giúp nâng cao năng lực xét nghiệm Covid-19 của TP HCM.
Theo bác sĩ Nam, nhờ chủ động xét nghiệm tầm soát Covid-19 tất cả nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất, TP HCM đã phát hiện 35 ca lây nhiễm cộng đồng. Từ đó thành phố đã khoanh vùng, cách ly, truy vết, thực hiện nhanh công tác xét nghiệm với số lượng mẫu khá lớn, giúp khống chế thành công ổ dịch này.
Sau Tết Nguyên đán, người lao động từ các tỉnh thành, đặc biệt những nơi nguy cơ cao như Hải Dương, Quảng Ninh đến TP HCM tiếp tục làm việc, học tập, nguy cơ lây nhiễm Covid-19 lớn. UBND, Sở Y tế TP HCM xác định sẽ tăng cường lấy mẫu, đẩy nhanh xét nghiệm.
"Chỉ có xét nghiệm nhanh mới phát hiện sớm và khoanh vùng chống dịch có hiệu quả", bác sĩ Nam nhấn mạnh.
Theo HCDC, chiến lược xét nghiệm thần tốc khi đã khoanh vùng được nguồn lây chính là yếu tố quyết định giúp kiểm soát chuỗi lây nhiễm sân bay Tân Sơn Nhất.
Từ ngày 30/1 đến 16/2, TP HCM thực hiện gần 40.000 mẫu xét nghiệm, kết quả có trong vòng 24 giờ để đáp ứng kịp với tốc độ truy vết, giám sát diện rộng. Trong đó, ngành y tế đã lấy mẫu 1.570 F1, 1.376 F2 và 9.864 trường hợp tại các địa điểm liên quan đến các bệnh nhân Tân Sơn Nhất.
Khi phát hiện các ca bệnh, TP HCM đã lấy mẫu khẩn rà soát lần hai cho toàn bộ nhân viên công ty phục vụ mặt đất tại sân bay Tân Sơn Nhất và tất cả thành viên trong gia đình của họ. Tổng cộng 5.400 mẫu được lấy, gồm hơn 1.600 nhân viên và hơn 3.800 người nhà. Nhân viên sân bay phải xét nghiệm trước một ngày vào ca, có kết quả âm tính nCoV mới được làm việc.
Từ chiều 30 Tết đến hết mùng 3 Tết (tức ngày 11/2 đến 14/2), thành phố triển khai chiến dịch lấy mẫu xét nghiệm tầm soát ở các chợ đầu mối, chợ truyền thống, bến xe, khu nhà trọ, quanh khu công nghiệp... Tổng số 9.480 mẫu, trong đó có 2.939 mẫu là của nhân viên y tế, kết quả tất cả âm tính nCoV.
Chiều 16/2, HCDC cũng đã triển khai kế hoạch giám sát người từ vùng có Covid-19 đến thành phố, nhằm chủ động kiểm soát nguy cơ dịch bệnh xâm nhập. Theo đó, người đến TP HCM từ nơi có ổ dịch hoặc địa phương đang giãn cách xã hội sẽ phải cách ly tập trung 14 ngày, xét nghiệm Covid-19 bốn lần. HCDC cũng xét nhiệm ngẫu nhiên đối với người đến thành phố bằng các phương tiện giao thông công cộng.
Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh, tại cuộc họp trực tuyến Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19, mới đây, cho biết TP HCM dự trữ đầy đủ các sinh phẩm, test kit xét nghiệm, phối hợp với các cơ quan y tế đóng trên địa bàn, đảm bảo năng lực xét nghiệm từ 30.000 đến 40.000 mẫu đơn trong 24 giờ. Nếu thực hiện mẫu gộp có thể nâng công suất lên 120.000-150.000 mẫu mỗi ngày.