"Chúng tôi đánh giá trong quý 1 phải coi công tác phòng chống dịch bệnh là nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm, vì cuộc chiến Covid không thể kết thúc trong 6 tháng đầu năm, thậm chí là cả năm 2021", Bộ trưởng Long phát biểu tại cuộc họp trực tuyến về phòng, chống dịch với các tỉnh, thành phố ở 63 điểm cầu, sáng 19/2.
Theo Bộ trưởng Long, đợt dịch lần này phức tạp vì chủng virus có tốc độ lây nhiễm cao hơn 70% so với chủng cũ, dẫn đến trong thời gian ngắn phát hiện rất nhiều ca nhiễm. Dịch bùng phát trong khu công nghiệp, lại trước và trong dịp Tết nguyên đán khiến độ phức tạp càng cao. So sánh với ổ dịch Đà Nẵng ghi nhận hơn 300 ca nhiễm trong cả đợt dịch hồi tháng 7-8 năm ngoái, dịch ở Hải Dương từ ngày 28/1 đến nay đã hơn 500 ca nhiễm. Số ca mắc trung bình tính trong ngày của Hải Dương cũng cao hơn đợt dịch Đà Nẵng.
Nhận định "xét nghiệm là mấu chốt để kiểm soát dịch", Bộ trưởng Long yêu cầu các địa phương chuẩn bị phương án xét nghiệm với số lượng mẫu nhiều hơn, rút ngắn thời gian có kết quả, tăng năng suất xét nghiệm, sử dụng phương châm 4 tại chỗ gồm "phát hiện, chẩn đoán, cách ly và theo dõi".
"Nếu xét nghiệm chậm, chúng ta chỉ đuổi theo dịch chứ không phải chặn dịch. Trong khi đó, dịch lần này rất nhanh, càng đuổi theo nó chúng ta càng đuối", Bộ trưởng nói.
Tất cả cán bộ phải được tập huấn về lấy mẫu, tại hộ gia đình, khu cách ly. Quan điểm phòng chống dịch của Bộ Y tế là "khoanh vùng rộng, lấy mẫu diện rộng, xét nghiệm nhanh, phong tỏa hẹp" để tránh tác động tới người dân.
Các địa phương không được chủ quan, bởi dịch có thể xảy ra ở bất cứ nơi nào. Đồng thời, các địa phương chuẩn bị tất cả phương án, kịch bản cho vùng có dịch, cách ly các trường hợp, đặc biệt là các F1. Chuẩn bị tất cả cơ sở trước để thực hiện cách ly số lượng lớn, đảm bảo cung cấp đủ cơ sở, nhân lực y tế, vật tư, thiết bị.
"Mục tiêu là cách ly triệt để các F1, đưa mầm bệnh ra khỏi cộng đồng nhằm ngăn chặn dịch", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn khẳng định xét nghiệm là nhiệm vụ quan trọng ở vùng có dịch. "Hiện tại chúng tôi yên tâm về năng lực xét nghiệm tại TP HCM, Hải Dương, song cần lưu ý đến hệ thống điều phối và nhận mẫu xét nghiệm trong 24 giờ để đối phó với biến chủng mới có tốc độ lây nhanh. Phải xét nghiệm và truy vết nhanh chóng thì chúng ta mới đối phó được biến chủng mới này", ông Sơn nói.
Ông Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Y tế Dự phòng cho hay đến nay các ổ dịch lớn như Hà Nội, TP HCM, Quảng Ninh cơ bản đã được kiểm soát. Các ổ dịch khác như Hải Phòng, Hòa Bình, Điện Biên, Hà Giang, Bình Dương, Hưng Yên, Bắc Giang và Gia Lai không ghi nhận ca mắc trong vòng từ 7 đến 20 ngày qua. Tuy nhiên, tình hình dịch tại Hải Dương vẫn còn phức tạp, có khả năng tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc trong thời gian tới.
Bà Nguyễn Thanh Lịch, Phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, cho biết đến nay tỉnh đã 8 ngày liên tiếp không có ca dương tính mới. Tỉnh đang điều trị 27 ca, trong đó ba bệnh nhân âm tính lần ba và 8 ca âm tính lần một. Gia Lai áp dụng giãn cách xã hội theo chỉ thị 15 với 4 huyện có dịch, phong tỏa các nhà có F0 trong 14 ngày, riêng hai ca chưa xác định nguồn lây tiếp tục phong tỏ khu vực trong 21 ngày.
Gia Lai đã xét nghiệm rộng các đối tượng có nguy cơ đi về từ vùng dịch và tiếp tục xét nghiệm người có biểu hiện sốt ho thông qua giám sát cộng đồng, "cơ bản đã kiểm soát được dịch bệnh". Bệnh viện dã chiến quy mô 300 giường, đảm bảo điều trị 50 bệnh nhân, đã đi vào hoạt động từ ngày 10/2.
Bộ trưởng Long yêu cầu các địa phương cần tiến hành quản lý từng hộ dân, nắm được người đi người đến, thành lập tổ tự quản, hướng dẫn cộng đồng, giao phụ trách từng hộ dân. Chuẩn bị xét nghiệm và kịch bản cho việc xét nghiệm nhiều hơn, đảm bảo nâng khả năng xét nghiệm lên trong thời gian ngắn. Lập phòng xét nghiệm và lấy mẫu xét nghiệm rộng, phong tỏa nhanh. Các tỉnh, thành chưa có dịch cũng phải liên tục sàng lọc, nhằm phát hiện sớm các ca nhiễm sẽ giúp dập dịch nhanh chóng, hiệu quả hơn.
Bộ Y tế sáng 19/2 không ghi nhận ca dương tính nCoV. Tổng số ca nhiễm cộng đồng 755, trong hơn 20 ngày qua. Hải Dương ghi nhận 575 ca và là ổ dịch lớn nhất cả nước. Ngoài ra, dịch đang xuất hiện ở 12 tỉnh thành, gồm Quảng Ninh (60), TP HCM (36), Hà Nội (35), Gia Lai (27), Bình Dương (6), Bắc Ninh (5), Điện Biên (3), Hòa Bình, Hưng Yên và Bắc Giang mỗi nơi 2 ca, Hải Phòng, Hà Giang mỗi nơi một ca.
Thùy An