Quốc hội dành trọn ngày làm việc hôm nay 25/5 để thảo luận ở Hội trường về kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước. Vào đầu phiên thảo luận đã có hơn 80 đại biểu đăng ký nêu ý kiến, đa số đều đánh giá cao điều hành của Chính phủ trong năm 2017 và những tháng đầu năm 2018.
Kết quả điều hành thể hiện qua các con số cụ thể như, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2017 đạt 6,81% (con số đã báo cáo cuối năm qua là 6,7%), dự trữ ngoại hối nhà nước đạt 63,5 tỷ USD; GDP quý I năm 2018 đạt 7,38%, cao nhất 10 năm qua…
Đại tá Nguyễn Hữu Cầu - Giám đốc Công an Nghệ An chia sẻ ấn tượng về những thành tích kinh tế nêu trên, cùng với đó, kết quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng thời gian qua cũng làm "nức lòng cử tri cả nước"...
Tuy nhiên, ông Cầu cho rằng trong lĩnh vực xã hội gần đây có "những việc động trời, khó tin" như, một số vụ giết người gây chấn động, thuốc chữa ung thư làm từ bột than, phế phẩm cà phê nhuộm bột pin, cô giáo bắt trẻ uống nước giẻ lau...
"Cử tri lo lắng và bày tỏ mong muốn, kinh tế phát triển như ngày nay và đạo đức xã hội bằng ngày xưa", ông Cầu nhấn mạnh.
Đại tá Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an Nghệ An phát biểu
Nhiều công nhân trong tình trạng "5 không"
Đề cập tới đời sống của công nhân ở khu công nghiệp, đại biểu Triệu Thế Hùng cho rằng, bên cạnh khó khăn vật chất thì văn hóa là điều đáng lo ngại.
"Có ý kiến cho rằng, nhiều công nhân đang trong tình trạng 5 không: Không tình yêu, không nhà cửa, không gia đình, không vui chơi giải trí, không thể dục thể thao. Việc thụ hưởng văn hóa của họ không có gì đáng kể, không được tiếp nhận thường xuyên về tình hình chính trị, xã hội", ông Hùng nói.
Theo ông, cả nước có 4 triệu công nhân làm ở hơn 300 khu công nghiệp, con số này còn gia tăng, do vậy, Chính phủ cần rà soát chính sách hợp lý để đảm bảo công đoàn hoạt động đủ mạnh, đại diện quyền lợi chính đáng cho công nhân.
Nhà nước phải có quy định cụ thể để chủ lao động nhận thức được quyền tiếp cận thông tin giải trí, văn hóa, thể thao, thỏa mãn nhu cầu giải trí, hoạt động xã hội của công nhân.
"Phải tăng mức lương tối thiểu vùng đảm bảo mức sống tối thiểu cho công nhân. Có như thế họ mới nghĩ tới việc thụ hưởng văn hóa và khi đó năng suất lao động sẽ tăng, có lợi cho cả hai bên người lao động và sử dụng lao động, giúp đất nước phát triển bền vững", ông Hùng nhấn mạnh
“Những khoảng lặng của tăng trưởng kinh tế”
Cho rằng kinh tế đã có sự phát triển ngoạn mục năm 2017 và những tháng đầu năm 2018, tuy nhiên đại biểu Hoàng Quang Hàm - Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính ngân sách, lưu ý một số vấn đề mà ông cho là "những khoảng lặng của tăng trưởng".
Cụ thể, đại biểu Hàm đồng ý với báo cáo Chính phủ là, tăng trưởng đang giảm dần sự lệ thuộc vào khai thác dầu thô, năm 2017 công nghiệp khai khoáng vượt kế hoạch nhưng chỉ bằng trên 93% năm 2016. Song, cũng trong năm 2017, nếu khai thác dầu thô không vượt kế hoạch đầu năm thêm 1,29 triệu tấn thì không đạt mục tiêu tăng trưởng.
"Theo tính toán, một triệu tấn dầu góp 0,2-0,3 điểm tăng trưởng, nên nếu không có yếu tố này, GDP 2017 chỉ đạt 6,4-6,6% (thay vì 6,81%), Như vậy, kết quả GDP vượt mục tiêu nhưng tăng trưởng từ sản xuất kinh doanh không đạt kỳ vọng, phải bù đắp từ khai thác thêm dầu", ông Hàm nói.
Đại biểu Hoàng Quang Hàm nêu ý kiến tại hội trường
Ngoài ra, theo ông Hàm, với nền kinh tế đang khát khao vươn lên như Việt Nam, việc quy mô GDP 2017 đạt hơn 5 triệu tỷ đồng là còn khiêm tốn, không đạt như kỳ vọng đề ra từ cách đây 2 năm. Tăng trưởng kinh tế quý I/2018 đạt 7,38%, cao nhất 10 năm, nhưng nhân tố tạo bứt phá không được duy trì bền vững nên dự báo quý sau sẽ giảm dần.
Việt Nam đã tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu nhưng tỷ lệ gia công, lắp ráp trong ngành chế biến, chế tạo rất lớn. Hơn nữa, tăng trưởng kinh tế đang chịu sự chi phối của doanh nghiệp FDI; Samsung và Formosa góp hơn 40% tăng trưởng ngành chế biến, chế tạo; doanh nghiệp FDI chiếm 73% kim ngạch xuất khẩu, 66% nhập khẩu.
"Mối liên kết cũng như việc chuyển giao công nghệ giữa doanh nghiệp FDI với trong nước chưa đạt như mong muốn", ông Hàm nhấn mạnh.
Đánh giá các giải pháp Chính phủ đưa ra trong báo cáo "căn cơ, toàn diện", nhưng ông Hàm cho rằng, với nguồn lực có hạn thì giải pháp cần có ưu tiên, tập trung tháo gỡ thủ tục hành chính, giảm chi phí logistic, thu hút FDI theo hướng lựa chọn, liên kết với doanh nghiệp trong nước; phân bổ vốn hợp lý theo ngành, vùng và có chính sách tài chính phù hợp...
Tranh luận chuyện 'tăng trưởng phụ thuộc dầu thô'
Đại biểu Trần Quang Chiểu đã đăng đàn tranh luận với ý kiến của ông Hoàng Quang Hàm - Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sách.
Giơ cao tập báo cáo Chính phủ, ông Chiểu nói khai thác dầu thô năm 2016 là 15,2 triệu tấn, năm 2017 kế hoạch 13,28 triệu tấn và thực hiện 13,55 triệu tấn. Như vậy, riêng năm 2017 khai thác nhiều hơn kế hoạch khoảng 200.000 tấn; còn nếu so với năm 2016 thì năm 2017 khai thác ít hơn 1,643 triệu tấn.
Về than, năm 2016 khai thác 38,73 triệu tấn than, kế hoạch năm 2017 là 40,2 triệu tấn nhưng thực khai thác chỉ 38,2 triệu tấn.
"Đây là số liệu Chính phủ gửi, đại biểu Hoàng Quang Hàm cho hay năm 2017 khai thác vượt 1,2 triệu tấn dầu thô để bù đắp tăng trưởng thì số liệu ở đâu tôi không rõ", ông Chiểu nói và nhấn mạnh quan điểm của mình là, "ấn tượng với năm 2017, năm đầu tiên tăng trưởng không dựa vào khai thác tài nguyên, khai khoáng".
Trao đổi lại với đại biểu Chiểu, ông Hoàng Quang Hàm nói bản thân cũng thống nhất với báo cáo Chính phủ về việc đã "giảm dần phụ thuộc vào khai thác khoáng sản, dầu thô trong tăng trưởng".
Về số liệu đại biểu Chiểu nói "không biết lấy từ đâu ra", ông Hàm dẫn lại báo cáo số 193 của Chính phủ ngày 16/5, theo đó sản lượng khai thác dầu cả năm 2017 đạt 13,57 triệu tấn, tăng 1,29 triệu tấn; "nghĩa là chúng ta đã khai thác và thanh toán vượt 1,29 triệu tấn, thực ra thanh toán này mới ảnh hưởng GDP".
"Tôi đánh giá cao Chính phủ vì chúng ta đã thoát dần tăng trưởng phụ thuộc dầu thô vì đây là của để dành, song bức tranh tăng trưởng cần nhìn nhận thực chất", ông Hàm nhấn mạnh.
Quốc hội tiếp tục làm việc tại Hội trường trong chiều nay.
Võ Hải - Hoài Thu - Bảo Hà
Xem diễn biến chính