Sáng 24/5, Quốc hội bước vào phiên thảo luận đánh giá bổ sung tình hình phát triển kinh tế xã hội 2017 và những tháng đầu năm 2018.
Ông Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) - Uỷ viên Uỷ ban Tài chính ngân sách đánh giá cao những điểm sáng trong chỉ đạo điều hành, quyết liệt chấn chỉnh lập kỷ cương, quyết tâm cao của Chính phủ... để đạt những chỉ tiêu về tăng trưởng, lạm phát. Lưu ý những vấn đề được ví như "khoảng lặng tăng trưởng kinh tế", ông nói, nếu khai thác dầu thô không vượt kế hoạch đầu năm thêm 1,29 triệu tấn thì không đạt mục tiêu tăng trưởng.
Đồng tình báo cáo Chính phủ, tăng trưởng đang giảm dần sự lệ thuộc vào khai thác dầu thô, nhưng ông Hàm cho rằng tăng trưởng đang phải "bù đắp từ khai thác thêm dầu".
Phân tích vấn đề này, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính ngân sách Quốc hội nêu, theo tính toán một triệu tấn dầu góp 0,2-0,3% tăng trưởng GDP, nên nếu không có yếu tố này, GDP chỉ đạt 6,4-6,6%. "Như vậy tăng trưởng vượt mục tiêu nhưng tăng trưởng từ sản xuất kinh doanh không đạt kỳ vọng, phải bù đắp từ khai thác thêm dầu. Đây là khoảng lặng trong tăng trưởng 2017 cần nhìn nhận", đại biểu Hàm dứt khoát.
Ngoài ra, quy mô GDP 2017 đạt hơn 5 triệu tỷ đồng, nghĩa là phải phấn đấu 2 năm vẫn chưa đạt như kỳ vọng đặt ra từ năm 2016. Theo ông, với nền kinh tế đang khát khao vươn lên, quy mô GDP khoảng 5 triệu tỷ đồng là khiêm tốn nên cần phải nhìn nhận thoả đáng.
Đánh giá các giải pháp Chính phủ đưa ra trong báo cáo "căn cơ, toàn diện", nhưng ông Hàm nhấn mạnh, với nguồn lực có hạn thì cần giải pháp ưu tiên. Cụ thể, cần tập trung tháo gỡ thủ tục hành chính, giảm chi phí logistic, thu hút FDI theo hướng lựa chọn, liên kết với doanh nghiệp trong nước; phân bổ vốn hợp lý theo ngành, vùng và có chính sách tài chính phù hợp...
Phiên thảo luận sôi nổi hơn khi có đại biểu xin tranh luận về quan điểm "tăng trưởng phụ thuộc vào dầu thô" mà ông Hàm nêu.
*Ba đại biểu tranh luận về tăng trưởng phụ thuộc dầu thô
Ông Trần Quang Chiểu (Nam Định) tỏ ý không đồng tình, ông giơ cao tập báo cáo Chính phủ lên tận mắt nhìn và đọc dẫn chứng. Năm 2016 khai thác dầu thô là 15,2 triệu tấn. Kế hoạch năm 2017 khai thác 13,28 triệu tấn, nhưng thực hiện 13,55 triệu tấn.
Như vậy, khai thác dầu thô năm 2017 tăng gần 200.000 tấn, trong khi năm 2016 khai thác "hụt" 1,6 triệu tấn so với kế hoạch. "Một triệu tấn dầu thô góp 0,25% vào tăng trưởng, nên năm 2016 tăng trưởng âm về dầu thô", ông Chiểu kết luận.
Về than, năm 2016, khai thác 38,73 triệu tấn than. Năm 2017 cũng giảm gần 2 triệu tấn so với kế hoạch. "Nếu chỉ tăng trưởng 1 triệu tấn than là 0,014 điểm tăng trưởng thì 2 triệu tấn than này đã giảm bao nhiêu. Hay nói cách khác không đạt kế hoạch so với 2016, trong khi năm 2016 tăng trưởng khai khoáng đều âm", ông nói thêm.
Trước những dữ liệu "đọc thấy, nhìn thấy từ báo cáo Chính phủ", đại biểu tỉnh Nam Định nghi vấn "không rõ con số đại biểu nói khai thác vượt 1,2 triệu tấn dầu thô đưa ra ở đâu.
Nhắc lại đánh giá của mình tại phiên thảo luận ở tổ về kinh tế xã hội, ông khẳng định ấn tượng nhất trong điều hành Chính phủ năm 2017 là năm đầu tiên tăng trưởng không dựa vào khai thác tài nguyên, khai khoáng. "Nói dựa vào khai thác dầu thô, than xi măng là không thoả đáng", ông khẳng định.
Tranh luận lại với ông Chiểu, ông Hoàng Quang Hàm nói, mình thống nhất với báo cáo Chính phủ "tăng trưởng đang giảm dần về phụ thuộc khoáng sản, dầu thô". Tuy nhiên ông cho rằng, báo cáo Chính phủ thêm chỉ tiêu như quy đổi ra giá từng tỷ trọng của các yếu tố tăng trưởng để dễ so sánh, đại biểu dễ hình dung.
Về số liệu đại biểu Chiểu nói "không biết lấy từ đâu ra", ông Hàm dẫn lại báo cáo số 193 của Chính phủ ngày 16/5 đề cập, thực hiện cả năm sản lượng dầu thanh toán đạt 13,57 triệu tấn và tăng 1,29 triệu tấn. Nghĩa là đã khai thác và thanh toán vượt 1,29 triệu tấn, thực ra thanh toán này mới ảnh hưởng GDP.
"Tôi đánh giá cao Chính phủ vì chúng ta đã thoát dần tăng trưởng phụ thuộc dầu thô vì "đây là của để dành", song bức tranh tăng trưởng cần nhìn nhận thực chất", ông nhấn mạnh.
Bấm nút phát biểu sau đó, song thực chất là tranh luận, ông Nguyễn Quang Dũng (Quảng Nam) bày tỏ không đồng tình với nhận định "tăng trưởng chủ yếu phụ thuộc vào dầu thô". Ông minh chứng bằng con số thu ngân sách Nhà nước năm 2017, mức 1,288 triệu tỷ đồng, thu dầu thô trên 49.580 tỷ đồng, chiếm 3,8%. "Số đóng góp của dầu thô trong tổng ngân sách chỉ 3,8% là không lớn. Như vậy phát biểu của đại biểu Hàm dễ gây hiểu nhầm tăng trưởng 2017 chủ yếu từ dầu thô", ông khẳng định.
Về giá trị, báo cáo Chính phủ cũng nêu, tổng thu tăng 76.480 tỷ đồng trong đó dầu thô tăng 11.280 tỷ đồng, chiếm 14,75%.
Phân tích số liệu vị đại biểu này đồng ý là dầu thô tăng có đóng góp nhưng tăng trưởng kinh tế không chủ yếu từ nguyên liệu này. "Báo cáo Chính phủ là chính xác, tăng chủ yếu từ thu nội địa khi chiếm 54,7% tổng thu ngân sách Nhà nước 2017", ông nói.