-
11h30
Kết thúc phiên thảo luận sáng
Phiên thảo luận sáng kết thúc lúc 11h30. Ông Phùng Quốc Hiển - Phó chủ tịch Quốc hội cho rằng, không khí thảo luận diễn ra sôi nổi, chất lượng.
Đã có 25 đại biểu nêu ý kiến, 4 đại biểu tranh luận, tuy nhiên có ý kiến trùng lặp. Ông Hiển đề nghị đại biểu mở rộng nội dung phát biểu để "toàn diện hơn".
Chiều nay, hai vị tư lệnh ngành là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Nguyễn Xuân Cường và ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư sẽ đăng đàn, làm rõ thêm những vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
-
10h15
Người đứng đầu sợ mất quyền lợi nên không quyết liệt tinh giản biên chế
Đại biểu Phạm Xuân Thăng cho rằng, qua 2 năm thực hiện kết luận Bộ Chính trị về tinh giản biên chế, bên cạnh các kết quả thì tổng số người hưởng lương từ ngân sách còn cao, chi thường xuyên ngày càng tăng trong tổng chi... Nguyên nhân chủ yếu nằm ở yếu tố chủ quan, người đứng đầu quyết tâm chính trị chưa cao, còn tư tưởng ngại khó, ngại va chạm, sợ mất quyền lợi.
Vị đại biểu tỉnh Hải Dương đề xuất 6 giải pháp, trong đó có việc Chính phủ cần nêu rõ hơn mục tiêu tinh giản biên chế, công khai các đơn vị không hoàn thành nhiệm vụ trong lĩnh vực này; sửa đổi, bổ sung các quy định về tổ chức bộ máy chính quyền địa phương; đẩy mạnh cơ chế tự chủ, xã hội hoá đơn vị sự nghiệp công lập...
-
10h10
Nhiều công nhân trong tình trạng "5 không"
Đề cập tới đời sống của công nhân ở khu công nghiệp, đại biểu Triệu Thế Hùng cho rằng, bên cạnh khó khăn vật chất thì văn hóa là điều đáng lo ngại.
"Có ý kiến cho rằng, nhiều công nhân đang trong tình trạng 5 không: Không tình yêu, không nhà cửa, không gia đình, không vui chơi giải trí, không thể dục thể thao. Việc thụ hưởng văn hóa của họ không có gì đáng kể, không được tiếp nhận thường xuyên về tình hình chính trị, xã hội", ông Hùng nói.
Theo ông, cả nước có 4 triệu công nhân làm ở hơn 300 khu công nghiệp, con số này còn gia tăng, do vậy, Chính phủ cần rà soát chính sách hợp lý để đảm bảo công đoàn hoạt động đủ mạnh, đại diện quyền lợi chính đáng cho công nhân.
Nhà nước phải có quy định cụ thể để chủ lao động nhận thức được quyền tiếp cận thông tin giải trí, văn hóa, thể thao, thỏa mãn nhu cầu giải trí, hoạt động xã hội của công nhân.
"Phải tăng mức lương tối thiểu vùng đảm bảo mức sống tối thiểu cho công nhân. Có như thế họ mới nghĩ tới việc thụ hưởng văn hóa và khi đó năng suất lao động sẽ tăng, có lợi cho cả hai bên người lao động và sử dụng lao động, giúp đất nước phát triển bền vững", ông Hùng nhấn mạnh.
-
9h55
'Tinh gọn bộ máy để tránh tăng thuế, phí dồn dập'
Đánh giá các chỉ số kinh tế vĩ mô, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng thương mại & công nghiệp (VCCI) cho hay tăng trưởng GDP 2017 đạt 6,81%; quý I năm nay là 7,38%; mỗi ngày bình quân 300 doanh nghiệp mới thành lập; áp lực nợ công vượt trần 65% GDP đã giảm đáng kể so với trước; 1,5 triệu lao động hằng năm có việc làm mới...
"Đây là những thành công bước đầu, nhờ giải pháp ngắn hạn. Nhiều vấn đề cơ cấu nền kinh tế mới ở mức nhận diện, chưa có giải pháp căn cơ", ông nói. Ví dụ, trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng Việt Nam là một trong quốc gia "nói nhiều về cách mạng 4.0", nhưng nếu không có đổi mới tư duy trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới y tế, giáo dục,... thì lấy đâu ra những sáng chế khoa học mới ứng dụng vào khởi nghiệp, sản xuất.
Đại biểu Lộc lưu ý, chính sách tài khoá đã cố gắng cân bằng ngân sách, bán tài sản công, thu từ cổ tức doanh nghiệp Nhà nước,... khi số này cạn kiệt thì chuyển sang tăng thu từ thuế. "Nếu tinh gọn bộ máy, giảm chi thường xuyên thực hiện tốt hơn thì đã không phải tăng thuế, phí dồn dập và tận thu khiến người dân bức xúc", ông Lộc nêu.
-
9h20
Đà Nẵng đang thiếu ba vị trí lãnh đạo chủ chốt
Đại biểu Nguyễn Thanh Quang cho rằng những sai phạm kéo dài ở nhiều địa phương trong lĩnh vực quy hoạch, quản lý đất đai, công tác cán bộ,... đang cần được Trung ương, Chính phủ quan tâm, chỉ đạo quyết liệt hơn.
"Đà Nẵng là một địa phương như thế với sự chậm trễ trong kiện toàn bộ máy, tổ chức như không có Chủ tịch HĐND thành phố, thiếu một Phó chủ tịch HĐND TP, một Phó chủ tịch UBND TP", ông Quang nói.
Theo ông, năm 2010 chính quyền Đà Nẵng chủ trương trong 60 ngày nếu người dân, doanh nghiệp nộp đủ tiền khi giao đất thì được giảm 10% trên tổng số tiền nộp; khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì được cho thời hạn sử dụng lâu dài nếu nộp đủ tiền sử dụng.
Đến năm 2012, Thanh tra Chính phủ chỉ ra sai phạm, yêu cầu thu hồi 10% đã giảm nêu trên, điều chỉnh thời hạn sử dụng đất… Song có nhiều người dân, doanh nghiệp đã bán đi bán lại phần diện tích đất nêu trên và những người chủ hiện nay vừa phải mua đất theo giá thị trường, vừa phải làm theo kết luận thanh tra, vừa phải trả 10% tiền sử dụng đất mà chủ trước đã giảm…
"Người dân cho rằng ai sai, người đó chịu. Sai là ở chính quyền, còn họ làm đúng. Do vậy, chúng ta không nên điều chỉnh thời hạn sử dụng đất, không nên bắt người dân nộp phí 10% vì hiện còn tới 8.000 người dân còn nợ tiền sử dụng đất", ông nói.
-
9h15
Tranh luận chuyện 'tăng trưởng phụ thuộc dầu thô'
Đại biểu Trần Quang Chiểu đã đăng đàn tranh luận với ý kiến của ông Hoàng Quang Hàm - Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sách.
Giơ cao tập báo cáo Chính phủ, ông Chiểu nói khai thác dầu thô năm 2016 là 15,2 triệu tấn, năm 2017 kế hoạch 13,28 triệu tấn và thực hiện 13,55 triệu tấn. Như vậy, riêng năm 2017 khai thác nhiều hơn kế hoạch khoảng 200.000 tấn; còn nếu so với năm 2016 thì năm 2017 khai thác ít hơn 1,643 triệu tấn.
Về than, năm 2016 khai thác 38,73 triệu tấn than, kế hoạch năm 2017 là 40,2 triệu tấn nhưng thực khai thác chỉ 38,2 triệu tấn.
"Đây là số liệu Chính phủ gửi, đại biểu Hoàng Quang Hàm cho hay năm 2017 khai thác vượt 1,2 triệu tấn dầu thô để bù đắp tăng trưởng thì số liệu ở đâu tôi không rõ", ông Chiểu nói và nhấn mạnh quan điểm của mình là, "ấn tượng với năm 2017, năm đầu tiên tăng trưởng không dựa vào khai thác tài nguyên, khai khoáng".
Trao đổi lại với đại biểu Chiểu, ông Hoàng Quang Hàm nói bản thân cũng thống nhất với báo cáo Chính phủ về việc đã "giảm dần phụ thuộc vào khai thác khoáng sản, dầu thô trong tăng trưởng".
Về số liệu đại biểu Chiểu nói "không biết lấy từ đâu ra", ông Hàm dẫn lại báo cáo số 193 của Chính phủ ngày 16/5, theo đó sản lượng khai thác dầu cả năm 2017 đạt 13,57 triệu tấn, tăng 1,29 triệu tấn; "nghĩa là chúng ta đã khai thác và thanh toán vượt 1,29 triệu tấn, thực ra thanh toán này mới ảnh hưởng GDP".
"Tôi đánh giá cao Chính phủ vì chúng ta đã thoát dần tăng trưởng phụ thuộc dầu thô vì đây là của để dành, song bức tranh tăng trưởng cần nhìn nhận thực chất", ông Hàm nhấn mạnh.
-
8h30
'Những khoảng lặng của tăng trưởng kinh tế'
Cho rằng kinh tế đã có sự phát triển ngoạn mục năm 2017 và những tháng đầu năm 2018, tuy nhiên đại biểu Hoàng Quang Hàm - Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính ngân sách, lưu ý một số vấn đề mà ông cho là "những khoảng lặng của tăng trưởng".
Cụ thể, đại biểu Hàm đồng ý với báo cáo Chính phủ là, tăng trưởng đang giảm dần sự lệ thuộc vào khai thác dầu thô, năm 2017 công nghiệp khai khoáng vượt kế hoạch nhưng chỉ bằng trên 93% năm 2016. Song, cũng trong năm 2017, nếu khai thác dầu thô không vượt kế hoạch đầu năm thêm 1,29 triệu tấn thì không đạt mục tiêu tăng trưởng.
"Theo tính toán, một triệu tấn dầu góp 0,2-0,3 điểm tăng trưởng, nên nếu không có yếu tố này, GDP 2017 chỉ đạt 6,4-6,6% (thay vì 6,81%), Như vậy, kết quả GDP vượt mục tiêu nhưng tăng trưởng từ sản xuất kinh doanh không đạt kỳ vọng, phải bù đắp từ khai thác thêm dầu", ông Hàm nói.
Đại biểu Hoàng Quang Hàm, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sách
Ngoài ra, theo ông Hàm, với nền kinh tế đang khát khao vươn lên như Việt Nam, việc quy mô GDP 2017 đạt hơn 5 triệu tỷ đồng là còn khiêm tốn, không đạt như kỳ vọng đề ra từ cách đây 2 năm. Tăng trưởng kinh tế quý I/2018 đạt 7,38%, cao nhất 10 năm, nhưng nhân tố tạo bứt phá không được duy trì bền vững nên dự báo quý sau sẽ giảm dần.
Việt Nam đã tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu nhưng tỷ lệ gia công, lắp ráp trong ngành chế biến, chế tạo rất lớn. Hơn nữa, tăng trưởng kinh tế đang chịu sự chi phối của doanh nghiệp FDI; Samsung và Formosa góp hơn 40% tăng trưởng ngành chế biến, chế tạo; doanh nghiệp FDI chiếm 73% kim ngạch xuất khẩu, 66% nhập khẩu.
"Mối liên kết cũng như việc chuyển giao công nghệ giữa doanh nghiệp FDI với trong nước chưa đạt như mong muốn", ông Hàm nhấn mạnh.
Đánh giá các giải pháp Chính phủ đưa ra trong báo cáo "căn cơ, toàn diện", nhưng ông Hàm cho rằng, với nguồn lực có hạn thì giải pháp cần có ưu tiên, tập trung tháo gỡ thủ tục hành chính, giảm chi phí logistic, thu hút FDI theo hướng lựa chọn, liên kết với doanh nghiệp trong nước; phân bổ vốn hợp lý theo ngành, vùng và có chính sách tài chính phù hợp...
-
8h11
"Tăng trưởng cao nhưng chất lượng ra sao chưa rõ"?
Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân đánh giá cao kết quả kinh tế - xã hội năm 2017 và những tháng đầu năm 2018. Tuy nhiên, theo ông, chất lượng tăng trưởng như thế thế nào, đóng góp của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vào nền kinh tế, cơ cấu xuất khẩu,... cần được phân tích kỹ hơn. "Tính bền vững của những yếu tố vĩ mô như thế nào?", ông đặt câu hỏi.
Đề cập tới vấn đề chậm giải ngân vốn đầu tư công những tháng đầu năm 2018, đại biểu Xuân cho rằng, việc Chính phủ nêu "do những tháng đầu năm vướng nhiều ngày nghỉ lễ" là chưa thoả đáng, cần đánh giá đầy đủ hơn. "Phải làm rõ do quản lý yếu kém hay cơ chế chính sách và từ đó đề xuất giải pháp mạnh để khắc phục thời gian tới", ông nói.
Giám đốc Công an Nghệ An Nguyễn Hữu Cầu cũng chia sẻ ấn tượng về những thành tích về kinh tế thời gian qua, trong đó có việc GDP quý I đạt 7,38%, cao nhất 10 năm qua. Cùng với đó, các chỉ số về tài chính tiền tệ, du lịch, xuất nhập khẩu đều tăng vượt chỉ tiêu đề ra; xếp hạng môi trường kinh doanh Việt Nam được cải thiện; kết quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng làm "nức lòng cử tri cả nước"...
Tuy nhiên, ông Cầu cho rằng trong lĩnh vực xã hội gần đây có "những việc động trời, khó tin" như, một số vụ giết người gây chấn động, thuốc chữa ung thư làm từ bột than, phế phẩm cà phê nhuộm bột pin, cô giáo bắt trẻ uống nước giẻ lau...
"Cử tri lo lắng và bày tỏ mong muốn, kinh tế phát triển như ngày nay và đạo đức xã hội bằng ngày xưa", ông Cầu nhấn mạnh.
-
8h10
Mở rộng đấu giá biển số xe đẹp
Ngay đầu phiên thảo luận đã có 80 đại biểu đăng ký nêu ý kiến.
Là người phát biểu đầu tiên, ông Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) ấn tượng với kết quả tăng trưởng 7,38% quý I/2018. Tuy nhiên, ông góp ý trong xây dựng văn bản pháp luật còn nhiều vấn đề chưa phản ánh đúng thực tế, chưa thể hiện nguyện vọng cử tri.
Ông đơn cử, kho số viễn thông, kho số khác là tài sản công, trong đó có biển số xe; nếu triển khai đấu giá biển xe thì hằng năm ngân sách thu về hơn 12.000 tỷ đồng, song khi Chính phủ xây dựng dự thảo Nghị định hướng dẫn đấu giá biển số thì chỉ nêu đấu giá biển số đẹp, chiếm chưa tới 1% kho số.
Theo ông Cảnh, trong kho số có hơn 12% biển số xe có thể được xếp vào diện biển đẹp nhưng dự thảo Nghị định khống chế số lượng chưa đến 1%. Ngoài rà, quy định này cũng không cho người dân sở hữu biển số tiếp tục với xe tiếp theo, như vậy sẽ hụt thu ngân sách.
"Từ chỗ có thể thu về hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm thì khi vào chính sách chỉ thu vài chục tỷ đồng, rất lãng phí", ông nói và đề nghị cho đấu giá với kho số đẹp được mở rộng hơn.
Tranh luận với ý kiến trên, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng cho hay, trên thế giới có một số nước thực hiện đấu giá biển số đẹp, nhưng nhiều nước không đấu giá. "Bản chất của biển số đẹp giống như số tài khoản ngân hàng, căn cước công dân là để thực hiện việc quản lý nhà nước, nếu đấu giá phá sẽ phá vỡ hệ thống quản lý", ông nói.
Ngoài ra, theo ông, nhiều cử tri đặt vấn đề "nếu nhà nước tổ chức đấu giá biển số đẹp, công dân có quyền từ chối biển số xấu hay không?". Đại biểu Hồng cũng cho rằng, nhận xét Nhà nước đang lãng phí hàng nghìn tỷ do không đấu giá biển số đẹp là chưa có cơ sở, do giá cả thay đổi theo từng thời kỳ, tâm lý của người dùng.
-
FDI góp 72% tổng kim ngạch xuất khẩu 4 tháng 2018
Uỷ ban Kinh tế trong báo cáo thẩm tra gửi tới Quốc hội đã lưu ý về sức ép lạm phát do diễn biến phức tạp giá dầu thế giới và từ các chính sách điều chỉnh giá sắp có hiệu lực như tăng lương tối thiểu vùng, giá dịch vụ y tế, giáo dục, giá thực phẩm...
Ngoài ra, sự phụ thuộc quá nhiều của nền kinh tế vào khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) dự kiến cũng là vấn đề được các đại biểu quan tâm, thảo luận. Cập nhật đến 20/4, tổng vốn đầu tư đăng ký là 8,06 tỷ USD, giảm 23,9% so với cùng kỳ 2017; giải ngân FDI ước đạt 5,1 tỷ USD... Tính chung khối FDI góp 72% tổng kim ngạch xuất khẩu 4 tháng 2018, còn năm 2017 khu vực này góp 70%.
"Kinh tế phụ thuộc lớn vào doanh nghiệp nước ngoài như vậy, khi họ ra đi chúng ta còn lại gì? Trong khi đó sự liên kết giữa khu vực này và doanh nghiệp trong nước rất yếu", đại biểu Trương Trọng Nghĩa quan ngại khi góp ý kiến tại phiên thảo luận tổ chiều 21/5.
Liên quan tới đất tại nơi sắp hình thành đặc khu kinh tế như Phú Quốc (Kiên Giang), Vân Phong (Khánh Hòa), Vân Đồn (Quảng Ninh), Uỷ ban Kinh tế cho hay, có hiện tượng đầu cơ, tăng giá đột biến đất nền trước những thông tin về cơ chế, chính sách mới đang được Quốc hội xem xét, quyết định.
Uỷ ban Kinh tế đề nghị, Chính phủ có giải pháp để thị trường bất động sản minh bạch, ổn định, không để có khoảng trống trong quản lý Nhà nước với một số loại hình bất động sản mới như căn hộ khách sạn, căn hộ văn phòng...