"Tôi tin rằng những vấn đề như vậy nên được quyết định bằng trưng cầu dân ý", Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu với báo chí hôm nay, đề cập triển vọng Ukraine trở thành thành viên NATO. "Những vấn đề như vậy phải được người dân quyết định trước khi đưa vào hiến pháp".
Năm 2019, dưới thời chính quyền tổng thống Petro Poroshenko, Ukraine thông qua bản sửa đổi hiến pháp, coi trở thành thành viên NATO là mục tiêu chiến lược của đất nước. Cả quốc hội Ukraine và Poroshenko đều rất ủng hộ Ukraine gia nhập liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu.
"Pháp và Đức cần phải làm nhiều hơn nữa để đưa Ukraine tiến gần hơn việc gia nhập NATO. Bản thân họ phải quan tâm đến vấn đề này và nắm chắc về nó", Tổng thống Ukraine nói thêm.
Zelensky thừa nhận Ukraine muốn gia nhập NATO và đã liên hệ nhiều năm, nhưng quá trình này đang bị đình trệ. "Con đường gia nhập NATO và EU còn rất dài. NATO là sự đảm bảo an ninh, đó là những gì chúng tôi muốn đạt được. Sự đảm bảo này có nghĩa chúng tôi sẽ không đánh mất nền độc lập của mình", ông cho hay.
Nga hồi tháng 12/2021 gửi đề xuất an ninh 8 điểm với các "lằn ranh đỏ" cho Mỹ và NATO, trong đó có yêu cầu đảm bảo về mặt pháp lý rằng NATO không kết nạp thêm bất cứ quốc gia nào từng thuộc Liên Xô, trong đó có Ukraine và Gruzia, đồng thời không triển khai vũ khí tấn công gần biên giới Nga. Tuy nhiên, NATO từ chối yêu cầu này.
Đại sứ Ukraine tại Anh Vadym Prystaiko hôm 13/2 ám chỉ rằng Kiev có thể từ bỏ mục tiêu gia nhập NATO để tránh xung đột với Nga. Prystaiko sau đó rút lại bình luận, trong khi Bộ Ngoại giao Ukraine cũng lập tức nói rằng cách tốt nhất để đảm bảo an toàn cho đất nước là NATO "lập tức chấp nhận Ukraine gia nhập liên minh".
Mỹ và phương Tây cáo buộc Nga tập trung hơn 100.000 quân ở biên giới phía tây để lên kế hoạch tiến đánh Ukraine. Nga bác bỏ, khẳng định mọi hoạt động quân sự trên lãnh thổ là vấn đề nội bộ và chỉ nhằm mục tiêu diễn tập trước mối đe dọa từ kịch bản NATO mở rộng sang phía đông, đồng thời chỉ trích Mỹ và đồng minh phóng đại nguy cơ chiến tranh.
Trong ba ngày qua, Nga thông báo rút các đơn vị gần biên giới Ukraine và bán đảo Crimea sau khi hoàn tất diễn tập, song chưa công bố cụ thể quân số và lượng khí tài được rút về. Động thái này được đánh giá là nhằm hạ nhiệt căng thẳng và bày tỏ thiện chí trong đàm phán, đồng thời đáp trả cáo buộc từ tình báo phương Tây rằng họ sẽ tấn công Ukraine ngày 16/2.
Tuy nhiên, Ukraine và nhiều lãnh đạo phương Tây hoài nghi tuyên bố của Nga, yêu cầu Moskva có động thái rút quân thực chất. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho rằng "chưa thấy bất cứ dấu hiệu giảm căng thẳng nào trên thực địa. Ngược lại, Nga dường như đang tiếp tục tăng lực lượng ở gần biên giới Ukraine". Ông cũng bác bỏ quan điểm cho rằng mối đe dọa ở biên giới Nga - Ukraine đã giảm.
Xem thêm:
-5 câu hỏi về khủng hoảng Ukraine
-Bốn tháng khủng hoảng Nga - Ukraine sục sôi
-Vì sao Nga không động binh với Ukraine?
-Mỹ muốn gì trong khủng hoảng Ukraine?
Huyền Lê (Theo RT, AFP)