Đối với hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều được lên kế hoạch diễn ra ở Singapore vào tháng tới, vai trò của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in không khác gì một người hòa giải giúp xây lại cây cầu bị phá vỡ vốn đã rất bấp bênh giữa Washington và Bình Nhưỡng, giới quan sát nhận định.
Vai trò người trung gian vô cùng quan trọng của Tổng thống Moon càng trở nên rõ ràng hơn khi vào tuần trước Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố hủy cuộc gặp thượng đỉnh dự kiến được tổ chức vào ngày 12/6 ở Singapore với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Khi Kim Jong-un tìm cách cứu vãn cuộc gặp, ông đã phải quay sang Tổng thống Moon. Trong chưa đầy 24 tiếng, đoàn xe hộ tống đã đưa Moon Jae-in tới Khu Phi quân sự liên Triều (DMZ) gặp Kim Jong-un. Rồi sau đó, ngày 27/5, các quan chức Mỹ cũng vượt qua DMZ, đặt chân tới Triều Tiên để tiếp tục thảo luận công tác chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh ngày 12/6 dù số phận của nó vẫn chưa rõ ràng.
Người hòa giải
Với những người ủng hộ Tổng thống Moon, việc các cuộc đối thoại Mỹ - Triều được nối lại là dấu hiệu cho thấy vai trò ngày càng tích cực và hiệu quả của ông trong nỗ lực phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Hồi năm 2017, khi còn vận động tranh cử, Moon tuyên bố ông sẽ đảm nhận vai trò "người lèo lái" đưa bán đảo Triều Tiên tới cái đích phi hạt nhân hóa hoàn toàn. Tuy nhiên, những người chỉ trích lại cho rằng Tổng thống Moon nên củng cố mối quan hệ Mỹ - Hàn thay vì đóng vai người trung gian hòa giải giữa Mỹ và Triều Tiên. Họ đồng thời chỉ trích ông tạo ra những kỳ vọng phi thực tế và khoảng trống khác biệt trong định nghĩa phi hạt nhân hóa giữa hai bên.
Cách tiếp cận của Moon trước vấn đề Triều Tiên đang gây chia rẽ trong chính phủ Hàn Quốc. Ngày 28/5, một nghị quyết ủng hộ Tuyên bố Panmunjom mà Tổng thống Hàn Quốc và lãnh đạo Triều Tiên cùng đồng thuận tại hội nghị thượng đỉnh đầu tiên hồi tháng trước đã không được quốc hội Hàn Quốc phê chuẩn. Tuyên bố nhấn mạnh vào cam kết hướng tới một bán đảo Triều Tiên "không có vũ khí hạt nhân".
Tổng thống Moon và đảng Dân chủ cầm quyền cố gắng biến thỏa thuận thành luật và có thể được thực thi bất chấp sự thay đổi về chính quyền. Tuy nhiên, những nghị sĩ bảo thủ lại nói đảng cầm quyền đang lợi dụng Tuyên bố Panmunjom để thu phục ủng hộ chính trị trước các cuộc bầu cử địa phương vào tháng 6.
Trong một cuộc họp báo hôm 27/5, Tổng thống Moon cho biết ông đang hướng tới mục tiêu tổ chức hội nghị thượng đỉnh ba bên Mỹ - Hàn - Triều. Moon nhấn mạnh hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều là bước đầu tiên để ông vươn tới mục tiêu cao hơn là chính thức chấm dứt cuộc chiến tranh Triều Tiên.
"Mọi nỗ lực tôi đang thực hiện một mặt nhằm cải thiện mối quan hệ liên Triều nhưng mặt khác cũng nhằm đảm bảo thành công cho hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, điều vô cùng cần thiết đối với việc cải thiện quan hệ liên Triều", Tổng thống Moon nói. "Tôi hy vọng nếu thượng đỉnh Mỹ - Triều thành công, tuyên bố chiến tranh Triều Tiên kết thúc có thể đạt được thông qua một hội nghị thượng đỉnh ba bên".
Wi Sung-lac, chuyên gia về Triều Tiên, nhận định vai trò của Tổng thống Moon đối với thượng đỉnh Mỹ - Triều vẫn là sự tiếp nối những gì ông đã và đang thực hiện: "Thuyết phục hai bên ngồi lại bàn đàm phán... và giúp họ nhìn thấy những điểm có thể đồng thuận".
Song tuần trước, Moon đã gặp trở ngại. Việc Tổng thống Trump công bố quyết định hủy bỏ thượng đỉnh Mỹ - Triều thực sự khiến ông bất ngờ. Theo các cố vấn từ phủ tổng thống Hàn, hành động của Trump gây thất vọng và tổn thương. Nhưng khi nhận ra Tổng thống Mỹ nắm trong tay chìa khóa nối lại đàm phán, Moon quyết định tiếp tục kiên trì với nhiệm vụ dọn đường cho hội nghị.
Sau cuộc gặp với lãnh đạo Triều Tiên hôm 26/5, Moon một lần nữa xuất hiện với tư cách người hòa giải. Ông thông báo rằng Triều Tiên vẫn giữ nguyên cam kết "phi hạt nhân hóa hoàn toàn" nhưng từ chối làm rõ điều Kim Jong-un hướng tới là gì.
"Tổng thống Moon muốn lãnh đạo Mỹ - Triều gặp mặt ở Singapore. Ông muốn đảm bảo thành công của hội nghị thượng đỉnh", Chun Yung-woo, cứu cố vấn an ninh quốc gia Hàn Quốc, nhận xét. "Nhưng thành công còn phụ thuộc vào việc Triều Tiên sẵn sàng phi hạt nhân hóa ở mức độ nào, điều kiện Triều Tiên đưa ra là gì và Tổng thống Trump sẽ đáp ứng yêu cầu từ Triều Tiên đến đâu".
Theo Yoon Young-kwan, ngoại trưởng Hàn Quốc dưới thời tổng thống Roh Moo-hyun, mục tiêu Tổng thống Moon hướng tới không phải đi vào chi tiết các thỏa thuận mà là tạo ra bầu không khí phù hợp giúp dẫn tới hội nghị thượng đỉnh. Ông đã "đóng vai trò quan trọng trong việc truyền tải quan điểm, tư tưởng của bên này cho bên kia và ngược lại, đồng thời khuyến khích họ nói chuyện với nhau".
"Việc chính quyền Hàn Quốc đứng ở giữa không phải nhằm trực tiếp thu hẹp khoảng cách", Yoon bình luận. Vai trò của Hàn Quốc là "thúc đẩy mạnh mẽ để hai bên trao đổi".
Song với phe bảo thủ, việc Tổng thống Moon làm công việc hòa giải thay vì đứng về một bên nào là dấu hiệu cho thấy ông đang về phe với Triều Tiên. Theo họ, điều này làm suy yếu liên minh Mỹ - Hàn.
"Tôi cho rằng Tổng thống Hàn Quốc phải sát cánh cùng Tổng thống Trump trong vấn đề phi hạt nhân hóa", Hong Joon-pyo, chủ tịch đảng đối lập Hàn Quốc Tự do, tuyên bố. Moon "không có vẻ gì là đang tập trung cho mục tiêu phi hạt nhân hóa mà thực tế đang về phe với Triều Tiên. Đó là quan điểm của đảng chúng tôi và chúng tôi nghĩ nó cực kỳ nguy hiểm", ông nhấn mạnh.