Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 26/5 bất ngờ gặp lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Khu Phi quân sự liên Triều (DMZ) để thảo luận các biện pháp mở đường cho hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều. Hai ngày trước, Trump tuyên bố hủy họp thượng đỉnh với Kim Jong-un vào ngày 12/6 nhưng sau đó lại để mở kế hoạch và nhấn mạnh chính quyền của ông vẫn tiếp tục chiến lược gây áp lực với Triều Tiên bằng lệnh trừng phạt.
Ông Moon đang giữ hình ảnh người trung gian trung lập có thể thu hẹp khoảng cách giữa Trump và Kim Jong-un. Tuy nhiên, về lâu dài, mong muốn của ông Moon là ký được hiệp ước hòa bình với Triều Tiên có thể khiến Trump khó khăn hơn trong việc thực hiện chiến dịch gây áp lực tối đa nếu đàm phán đổ bể.
Ông Kim đã gặp riêng cả ông Moon và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hai lần trong ba tháng qua. Hàn Quốc và Trung Quốc là hai nước láng giềng của Triều Tiên, vì vậy, sự ủng hộ của họ là rất cần thiết khi thực thi các lệnh trừng phạt quốc tế với Bình Nhưỡng.
"Với việc Hàn Quốc và Trung Quốc đã nói chuyện với Triều Tiên, rất khó để Trump thúc đẩy chiến dịch gây áp lực vào lúc này hoặc nếu như hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều thất bại". Namkoong Young, cố vấn cho Bộ thống nhất Hàn Quốc và Bộ Ngoại giao, theo Hindustan Times.
"Theo suy nghĩ của Trump, chiến dịch gây áp lực tối đa của ông sẽ khiến Kim 'quỳ gối' và trở lại đối thoại trong tư thế đầu hàng", ông nói. "Nhưng Moon đã cắt ngang điều này bằng cách khôi phục trao đổi liên Triều".
Sau khi Hàn - Triều gặp thượng đỉnh lần đầu tiên vào cuối tháng tư, ông Moon đã nhấn mạnh triển vọng hòa bình của bán đảo và đưa ra nhiều hứa hẹn về dự án kinh tế với Triều Tiên. Cựu cố vấn an ninh quốc gia Hàn Quốc Chun Yung Woo cho rằng việc này là hấp tấp. Với tuyên bố đó, Kim Jong-un giống như đã mua được "bảo hiểm cho trường hợp hội nghị thượng đỉnh với Trump" thất bại, Chun nói.
Những tuyên bố như vậy cho thấy rằng nếu hội nghị thất bại và Trump quay lại trừng phạt hay tính đến phương án quân sự với Triều Tiên thì Hàn Quốc "sẽ không ủng hộ ông ấy", Chun nói. "Với những lời hứa hẹn đó, ông Moon đang trả cái giá quá lớn trước khi biết ông sẽ mua được gì từ Triều Tiên".
Sau hội nghị thượng đỉnh với Kim Jong-un, Tổng thống Hàn nhắc lại nỗi lo của Triều Tiên về an ninh khi phi hạt nhân hóa. Bình Nhưỡng sợ có số phận giống Libya khi chưa đầy 10 năm sau khi nước này giải trừ hạt nhân, lãnh đạo Muammar Gaddafi bị lật đổ và giết trong một cuộc nổi dậy do NATO hậu thuẫn.
"Điều không rõ ràng đối với ông Kim không phải là việc ông ấy có sẵn lòng phi hạt nhân hóa hay không, mà là liệu ông ấy có thể tin lời Mỹ rằng họ sẽ chấm dứt quan hệ thù địch và đảm bảo an ninh cho chính quyền của ông ấy sau khi phi hạt nhân hóa hay không", ông Moon nói.
Tuy nhiên, Tổng thống Hàn không trả lời rõ câu hỏi rằng ông Kim có đề cập rõ ràng ông ấy đồng ý với yêu cầu của Mỹ về việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể xác minh, không thể đảo ngược hay không. Ông cho biết hai bên sẽ cần thảo luận việc đó từ cấp thấp hơn.
Bất đồng khái niệm 'phi hạt nhân hóa' giữa Trump và Kim Jong-un. Video: BBC.
Moon Jae-in "tiếp tục vai trò như phát ngôn viên của Triều Tiên và truyền đạt lập trường của Triều Tiên theo cách tích cực nhất", cựu ngoại trưởng Hàn Han Sung Joo nói. Nhưng ông cho rằng Kim Jong-un có thể đơn giản chỉ quan tâm đến việc được nới lỏng các biện pháp trừng phạt và được quốc tế công nhận vũ khí hạt nhân của mình, chứ không phải là từ bỏ những vũ khí đó để đổi lấy quan hệ tốt đẹp với Hàn Quốc và Mỹ, theo Atlantic
Namkoong đánh giá liên minh Mỹ - Hàn có thể bị ảnh hưởng nếu ông Moon cố ý phóng đại cam kết của ông Kim đối với việc phi hạt nhân hóa. "Rủi ro từ hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều rất lớn", ông nói. "Nếu cuộc gặp Trump - Kim thành công, ông Moon sẽ thắng lớn. Nếu không, ông ấy sẽ thua rất nhiều".
Phương Vũ