"Nhiều người ở Đức vẫn cảm thấy gắn bó với đất nước và người dân Nga, yêu mến âm nhạc và văn học Nga, nhưng thực tế đã thay đổi từ khi Moskva phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine", Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier hôm 28/10 nói trong bài phát biểu toàn quốc. "Hai nước chúng tôi hiện đối đầu nhau".
Ông cho rằng chiến dịch quân sự Nga ở Ukraine đã khiến Đức thay đổi quan điểm của mình.
"Khi chúng ta nhìn vào nước Nga ngày nay, không có chỗ cho những giấc mơ xưa", ông nói thêm, đề cập ý tưởng "Ngôi nhà chung châu Âu" của cố lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev.
Theo ông, Đức và Nga đang là đối thủ, nhưng hai bên không có chiến tranh trực tiếp với nhau. Ông cho rằng cần tránh các hành động leo thang thù địch ở Ukraine, cũng như bất cứ sự liên quan trực tiếp của bên thứ ba trong xung đột.
"Nước Đức đang bị đẩy vào thời kỳ khác, vào sự bất an mà chúng ta cứ nghĩ đã vượt qua. Đó là thời kỳ được đánh dấu bằng chiến tranh, bạo lực và nỗi lo ngại về việc cuộc chiến sẽ lan rộng ra châu Âu", ông nói thêm.
Tổng thống Đức cáo buộc Tổng thống Nga Vladimir Putin phải chịu trách nhiệm về tình trạng hỗn loạn ở châu Âu. "Những năm khó khăn, cam go hơn đang ở phía trước", ông Steinmeier nhấn mạnh, đồng thời thừa nhận việc áp lệnh trừng phạt đối với Nga đang gây tổn hại cho Đức, song là lợi ích tốt nhất của Berlin về lâu dài.
Ông Steinmeier hôm 25/10 bất ngờ tới Kiev, đánh dấu chuyến thăm đầu tiên đến Ukraine kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự tại nước này vào cuối tháng 2. Trong chuyến thăm, ông cam kết Đức sẽ tăng cường viện trợ cho Ukraine, đặc biệt trong lĩnh vực phòng không.
Ông Steinmeier từng có kế hoạch thăm Kiev hồi tháng 4 nhưng Ukraine tuyên bố không chào đón. Nguyên nhân được cho là liên quan lập trường của Tổng thống Steinmeier với Nga khi ông còn là ngoại trưởng trong chính phủ cựu thủ tướng Angela Merkel.
Tổng thống Steinmeier sau đó thừa nhận đã "sai lầm" về lập trường mềm mỏng với Nga, đặc biệt là khi ông ủng hộ dự án đường ống khí đốt Nord Stream 2. Tổng thống Ukraine Zelensky hồi tháng 5 mời Thủ tướng Đức Olaf Scholz cùng ông Steinmeier thăm Kiev.
Tại Đức, Tổng thống chủ yếu đóng vai trò nghi thức, trong khi Thủ tướng đứng đầu chính phủ và ra các quyết sách quan trọng.
Đức đã chuyển cho Ukraine 24 hệ thống phòng không tự hành Gepard, 10 lựu pháo tự hành PzH 2000, khoảng 3.000 quả đạn chống tăng Panzerfaust 3 cùng 900 ống phóng, 500 tên lửa phòng không vác vai FIM-92 Stinger và 2.700 tên lửa phòng không Strela từ thời Liên Xô, cùng nhiều vũ khí cá nhân, đạn dược và vật tư quân sự khác. Quân đội Ukraine hai tuần trước tiếp nhận hệ thống phòng không IRIS-T đầu tiên từ Đức, vài ngày sau các cuộc không kích dữ dội của Nga.
Huyền Lê (Theo Reuters, RT)