Tờ Spiegel của Đức cho biết tổ hợp phòng không tầm trung IRIS-T SLM đầu tiên cho quân đội Ukraine, gồm một xe chỉ huy, một xe radar và một xe bệ phóng mang được 8 tên lửa, đã được bàn giao ở biên giới Ba Lan - Ukraine hôm 11/10. Động thái này khiến Ukraine sở hữu hệ thống IRIS-T trước cả quân đội Đức.
Bộ Quốc phòng Đức và quân đội Ukraine chưa bình luận về thông tin.
Sự kiện diễn ra sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht hôm 10/11 tuyên bố tổ hợp đầu tiên dành cho Ukraine sẽ được chuyển giao "trong vài ngày tới", nhằm phản ứng vụ Nga cuộc tập kích tên lửa lớn chưa từng thấy vào Ukraine, trong khi ba hệ thống còn lại chưa xuất xưởng và sẽ được cung cấp từ đầu năm 2023.
IRIS-T có tầm bắn xa 40 km và đủ sức bắn hạ mục tiêu ở độ cao tối đa 20 km, được thiết kế để bảo vệ những địa điểm trọng yếu trước các cuộc tấn công từ máy bay, trực thăng, máy bay không người lái hay tên lửa. Mỗi tổ hợp gồm một xe chỉ huy, một đài radar cảnh giới cùng ba xe phóng với tối đa 24 đạn sẵn sàng chiến đấu.
Giới chuyên gia phương Tây cho rằng IRIS-T, cũng như hệ thống NASAMS được Mỹ hứa cung cấp, là bước tiến đáng kể so với những loại tên lửa phòng không vác vai được phương Tây viện trợ cho Ukraine trong những tháng qua.
Nó cũng hiện đại hơn nhiều so với các hệ thống phòng không tầm trung và tầm ngắn của Kiev, được coi là sự bổ sung đáng kể trong bối cảnh Ukraine đã mất ít nhất 25 bệ phóng tên lửa S-300 và nhiều tổ hợp phòng không tầm trung Buk-M1 mà không có lựa chọn thay thế.
Tuy nhiên, tầm bắn 40 km khiến IRIS-T phù hợp nhất trong vai trò bảo vệ các trung tâm đô thị và cơ sở hạ tầng then chốt, thay vì tạo ô phòng không quy mô lớn có tác động đến chiến trường.
Đức đã chuyển cho Ukraine 24 hệ thống phòng không tự hành Gepard, 10 lựu pháo tự hành PzH 2000, khoảng 3.000 quả đạn chống tăng Panzerfaust 3 cùng 900 ống phóng, 500 tên lửa phòng không vác vai FIM-92 Stinger và 2.700 tên lửa phòng không Strela từ thời Liên Xô, cùng nhiều vũ khí cá nhân, đạn dược và vật tư quân sự khác.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 11/10 cho biết NATO không phải bên tham gia vào xung đột ở Ukraine, song sự ủng hộ của khối đóng vai trò quan trọng. Tổng thư ký NATO cũng khẳng định sẽ tiếp tục ủng hộ chủ quyền và quyền tự vệ của Ukraine.
Tổng thư ký NATO cảnh báo các mối đe dọa hạt nhân từ Nga là điều "nguy hiểm và vô trách nhiệm", thêm rằng Moskva biết rõ một cuộc chiến tranh hạt nhân không được phép tiến hành và cũng không thể đem lại chiến thắng.
"Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ các lực lượng hạt nhân Nga. Chúng tôi chưa thấy bất cứ sự thay đổi nào", ông Stoltenberg nói, thêm rằng bất kỳ cuộc tấn công "có chủ ý" nào nhằm vào cơ sở hạ tầng quan trọng của các đồng minh đều sẽ bị đáp trả bằng phản ứng "thống nhất và quyết liệt".
Lãnh đạo NATO còn tuyên bố Tổng thống Nga Vladimir Putin đã "thất bại" ở Ukraine, sau loạt cuộc tập kích làm rung chuyển thủ đô Kiev cùng nhiều thành phố, khiến ít nhất 19 người chết và 105 người bị thương.
Stoltenberg xác nhận khối này dự kiến tổ chức diễn tập hạt nhân vào tuần tới. Cuộc diễn tập mang tên "Steadfast Noon" được tổ chức hàng năm và thường diễn ra trong khoảng một tuần. Tham gia diễn tập sẽ có các chiến đấu cơ có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, nhưng không có bom thật.
14 trong số 30 quốc gia thành viên NATO đã xác nhận tham gia cuộc diễn tập vốn được lên kế hoạch từ trước khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine hồi tháng 2. Một quan chức NATO cho biết phần chính của cuộc diễn tập sẽ diễn ra tại một địa điểm cách Nga hơn 1.000 km.
Tuyên bố của Tổng thư ký NATO được đưa ra sau khi Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cảnh báo sẽ đáp trả việc phương Tây ngày càng tăng can dự vào xung đột ở Ukraine, dù đối đầu trực tiếp với NATO không mang lại lợi ích cho Moskva.
Phương Tây lo ngại mối đe dọa hạt nhân từ Nga gia tăng kể từ khi nước này sáp nhập 4 tỉnh ở Ukraine gồm Donetsk, Lugansk, Zaporizhzhia và Kherson. Lãnh đạo Nga trước đó ám chỉ có thể dùng vũ khí hạt nhân để "bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ".
Nga là cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới tính theo số lượng đầu đạn hạt nhân mà nước này sở hữu. Nga có 5.977 đầu đạn hạt nhân, trong khi Mỹ có 5.428 đầu đạn, theo Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ.
Lãnh đạo Chechnya Ramzan Kadyrov, đồng minh thân cận của Tổng thống Nga, đã đề xuất dùng vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Ukraine. Tuy nhiên, phát ngôn viên Điện Kremlin sau đó khẳng định Nga ủng hộ "cách tiếp cận cân bằng", không dùng vũ khí hạt nhân dựa trên cảm tính.
Vũ Anh - Ngọc Ánh(Theo Spiegel, EFE)