Tổng thống Bolivia Evo Morales ngày 10/11 bất ngờ phát thông báo từ chức trên truyền hình và ngay sau đó xin tị nạn tại Mexico. Đội ngũ thân tín của ông đang nắm giữ các chức vụ quan trọng như phó tổng thống, chủ tịch thượng viện và hạ viện cũng đều đồng loạt từ chức.
Quyết định của Morales, người đã lãnh đạo Bolivia suốt 14 năm qua, đã đẩy quốc gia Nam Mỹ này vào tình thế hỗn loạn về chính trị. "Morales rời ghế để lại một khoảng trống quyền lực và vẫn chưa rõ ai sẽ tiếp quản", John Crabtree, nhà nghiên cứu tại Đại học Oxford, cho biết.
Jeanine Anez, phó chủ tịch Thượng viện, ngày 11/11 tuyên bố đứng ra làm tổng thống lâm thời, nhưng bà cũng khẳng định chính phủ của mình chỉ có nhiệm vụ duy nhất là đảm bảo một cuộc bầu cử mới được tổ chức trong vòng 90 ngày.

Evo Morales trong một cuộc họp của Liên Hợp Quốc tại New York năm 2017. Ảnh: AFP.
Johanna Marris, nhà phân tích rủi ro chính trị tại IHS Markit, nói rằng sự ổn định của nền chính trị Bolivia thời kỳ hậu Morales sẽ phụ thuộc vào mức độ ủng hộ của các lực lượng vũ trang. Chính phủ lâm thời cũng sẽ phải giám sát việc tái cơ cấu ủy ban bầu cử trước khi cuộc bầu cử mới có thể diễn ra.
Tuy nhiên, ngay cả lực lượng vũ trang Bolivia dường như cũng rơi vào tình thế bất an trước biến động chính trị này. Bộ trưởng Quốc phòng Javier Savaleta hôm nay tuyên bố từ chức nhằm "duy trì sự đoàn kết trong Các lực lượng Vũ trang". "Chúng tôi không bao giờ ra lệnh cho binh sĩ chĩa súng vào người dân và sẽ không bao giờ làm vậy. Quốc gia Bolivia mà chúng tôi xây dựng là đất nước mà ở đó binh sĩ bảo vệ tổ quốc cùng người dân, không phải chống lại họ", Savaleta nhấn mạnh.
Khi Morales nhậm chức gần 14 năm trước, ông trở thành lãnh đạo người dân tộc bản địa đầu tiên ở một quốc gia vốn được quản lý bởi nhóm nhỏ người gốc Âu. Ông giành được tín nhiệm cao khi giúp đất nước tăng trưởng kinh tế và thu hẹp bất bình đẳng xã hội.
Theo số liệu của Tổ chức Y tế châu Mỹ (PAHO), trong thời kỳ cầm quyền của Morales, tỷ lệ đói nghèo ở Bolivia đã được giảm một nửa, từ 37,7% năm 2007 xuống 17,3% năm 2014. Tỷ lệ đói nghèo cùng cực ở vùng nông thôn giảm từ 63,9% xuống còn 36,1%, trong khi tỷ lệ thất nghiệp ở đô thị chỉ còn 2,3%, giảm so với mức 8,5% trước đó.
Tuy nhiên, những thành tựu của ông bị mờ nhạt vì các biện pháp ông đã thực hiện để giữ quyền lực. Ông từng tổ chức trưng cầu dân ý vào năm 2016 để được quyền tranh cử tổng thống nhiệm kỳ thứ tư. Khi ông thất bại trong cuộc trưng cầu dân ý, tòa án tối cao gồm những người trung thành với Tổng thống đã ra một phán quyết có lợi, giúp Morales "dọn đường" để được ra tranh cử.
Trong cuộc bầu cử hồi tháng 10, Morales bị cáo buộc đã có những hành vi gian lận để giành chiến thắng. Ủy ban giám sát thuộc Tổ chức các Quốc gia châu Mỹ phát hiện những bất thường và "hành vi thao túng rõ ràng" trong bầu cử, khuyến nghị hủy bỏ kết quả này và tổ chức vòng bầu cử tiếp theo.
Morales bác bỏ khuyến nghị này và tuyên bố nhậm chức nhiệm kỳ thứ tư, động thái khiến người dân phẫn nộ xuống đường phản đối trong ba tuần biểu tình bạo lực. Khi quân đội và cảnh sát quay sang ủng hộ người biểu tình, Morales từ chức.
Dù vậy, Morales vẫn có nền tảng ủng hộ vững chắc trong nước vì ông đã thực hiện những cải cách kinh tế, xã hội giúp nhiều người Bolivia thoát khỏi nghèo đói và cải thiện quyền của người dân tộc bản địa.
Những người Bolivia phản đối Morales cũng như ủng hộ ông đều lo lắng về chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo. Xã hội Bolivia bị chia rẽ mạnh mẽ vì các yếu tố địa lý, xã hội và dân tộc. Các đối thủ của Morales chủ yếu ở miền đông, tại bình địa và xuất thân từ tầng lớp trung lưu. Trong khi đó, những người ủng hộ Morales thuộc tầng lớp lao động hoặc cư trú ở vùng nông thôn ở cao nguyên. Sự chia rẽ này nhiều khả năng càng trầm trọng thêm.
Esteban Salinas Lopez, 24 tuổi, bác sĩ thú y ở Cochabamba, nói rằng anh và bạn bè đã rất vui mừng khi nghe tin Morales từ chức và đã tập trung tại quảng trường thị trấn để ăn mừng. "Nhưng khi không khí hân hoan lắng xuống, chúng tôi cảm thấy ngày càng bất an hơn", Salinas Lopez nói. Anh lo lắng nước mình sẽ giống như Venezuela, nơi đang rơi vào khủng hoảng kinh tế, chính trị nghiêm trọng.
Carla Flores Morales, sinh viên đại học 20 tuổi ở Cochabamba và là người ủng hộ Morales, tin rằng ông đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng trước một cách dân chủ. Cô nói rằng nhiều nhà cửa của người dân tộc bản địa đã bị những người chống Morales phá hoại.
Cô lo lắng rằng nếu không có ông, đất nước sẽ thụt lùi. "Có cảm giác bất lực sau tất cả những gì chúng tôi đã trải qua", Flores Morales nói.
Hiện chưa rõ những ai sẽ tham gia vào cuộc bầu cử mới để giải quyết di sản mà Morales để lại. Cựu tổng thống Carlos Mesa, người đối đầu với Morales trong cuộc bầu cử hồi tháng 10, có thể là ứng viên sáng giá. Thủ lĩnh đối lập Luis Fernando Camacho, người dẫn đầu các cuộc biểu tình chống Morales, cũng có thể đóng vai trò quan trọng với tương lai đất nước.
Trong khi đó, Kurt Weyland, giáo sư tại Đại học Texas ở Austin, cho biết Morales đã không quan tâm đến việc bồi dưỡng thân tín để kế nhiệm mình. "Với Evo Morales, mọi thứ phụ thuộc vào ông và ông ấy muốn mọi thứ phụ thuộc vào mình", Weyland nói.
Phương Vũ (Theo Aljazeera/Vice)