Mặc dù những lời kêu gọi ông Biden nên rút lui khỏi cuộc bầu cử năm nay đã vang lên khá nhiều, việc ông Biden ra quyết định rút lui vào một chiều chủ nhật khiến ai cũng giật mình ngạc nhiên.
Ông Biden chỉ bảo rằng ông sẽ nói chuyện với quốc gia về quyết định này sau, nhưng sẽ là vào tuần này. Bởi vì ông đang bị Covid-19 nên rất có thể ông không thể nói năng suôn sẻ và ho dữ dội, tức là việc phát biểu trước công chúng không khả thi vào lúc này.
Trong khi nhiều thành viên đảng Dân chủ cảm ơn ông và một số người nhanh chóng nhảy vào cuộc đua giành chân ứng cử viên thì phe Cộng hòa rất khoái chí. Có nguồn tin nói ngay là ông Trump tin rằng việc đánh bại bà Kamala Harris là dễ hơn đánh bại ông Biden rất nhiều.
Nếu tin trên là đúng thì ông Trump rất có cơ sở để tin như vậy. Thật ra bản thân bà Harris không phải là vấn đề, hay nói đúng hơn là ai được đảng Dân chủ đề cử thì cũng không là vấn đề. Trong một cuộc bầu cử, việc ứng cử viên là ai chỉ quan trọng ở việc liệu ứng cử viên đó có phải là tổng thống đương nhiệm hay không.
Vì sao vậy? Con người thường có quán tính theo cái cũ, và ai đã lên làm tổng thống sẽ được xem như là đã được kiểm chứng và người dân sẽ muốn giữ họ lại, trừ khi tổng thống đó đã có một màn biểu diễn cực kỳ tồi tệ.
Nước Mỹ đã phải tu chính hiến pháp để giới hạn nhiệm kỳ của tổng thống không quá hai để tránh quán tính này. Thực tế cũng chứng minh là các tổng thống đương nhiệm mà tranh cử thì dễ thua khi đất nước đang trong tình trạng tồi tệ.
Năm 2020 là một ví dụ tiêu biểu. Khi đấy thì dịch Covid-19 hoành hoành, người chết lên hàng triệu, tỷ lệ thất nghiệp cao, kinh tế èo uột, ông Trump lại còn đổ dầu vào lửa khi kêu gọi người dân không đeo khẩu trang và khuyên người dân nên dùng thuốc tẩy rửa để chữa Covid-19.
Tất nhiên là ông Trump không gây ra dịch nhưng chính sách chống dịch của ông tệ. Người dân chỉ biết rằng ai làm tổng thống thì người đó phải chịu trách nhiệm, không có "tại, bị" gì hết.
Những kỳ bầu cử trước cũng vậy. Ông Bush "cha" (George H. W. Bush, tổng thống thứ 41) đã thua khi kéo nước Mỹ vào cuộc chiến vùng vịnh với Iraq và phải đối mặt một nền kinh tế đang suy thoái.
Ông Jimmy Carter (tổng thống thứ 39) đã thua khi đất nước phải đối mặt với cuộc khủng hoảng con tin ở Iran cùng một nền kinh tế ốm yếu. Còn lại, ông Bush "con" (George W. Bush, tổng thống thứ 43) và ông Obama vẫn thắng nhiệm kỳ hai. Mặc dù hai ông phải đối mặt với chiến tranh, nhưng nền kinh tế lúc tái tranh cử vẫn ổn định nên không việc gì.
Chính vì vậy, khi ông Biden không tái tranh cử thì lợi thế của phe Dân chủ đã mất. Kinh tế lúc này thì không quá tệ nhưng ảnh hưởng của lạm phát vẫn còn.
Đã vậy phe Dân chủ khả năng sẽ tranh cãi để giành đề cử, khiến cho cử tri của đảng sẽ không thể đoàn kết ủng hộ một ứng viên nào. Sau cùng thì toàn bộ các chính trị gia của phe Dân chủ hiện tại cũng không có ai thật sự nổi bật, khiến cho việc đoàn kết trong nội bộ đảng Dân chủ khó khăn.
Phe Dân chủ vì vậy sẽ cần đến nhiều điều để thắng cử kỳ này. Có thể tình hình xung đột thế giới có khả năng biến chuyển theo hướng có lợi cho Mỹ. Có thể đảng Dân chủ đột nhiên tụ hội quanh một ứng cử viên mà không có cãi vã lẫn nhau. Điều thứ nhất không nằm trong tay phe Dân chủ. Điều thứ hai cũng khá khó khăn, và phe Dân chủ phải đoàn kết lắm mới có thể làm được điều này.
Ông Trump bây giờ có thể yên tâm kê cao gối nằm yên để chờ xem phe Dân chủ làm gì. Vụ ám sát hụt hôm trước thật ra không phải là vận may chính trị của ông mà là việc ông Biden rút lui.
>> Bạn có đồng ý quan điểm của tác giả? Chia sẻ bài viết của bạn về bầu cử Mỹ tại đây.
Khanh Huỳnh