Tổng thống Mohamed Bazoum, lãnh đạo được bầu ở quốc gia Tây Phi, cùng vợ và con trai bị chính quyền quân sự quản thúc tại dinh thự ở thủ đô Niamey kể từ cuộc đảo chính ngày 26/7.
Ông không xuất hiện trước công chúng kể từ đó. Một số nguồn tin thân cận với ông Bazoum nói rằng lãnh đạo này bác yêu cầu của chính quyền quân sự về việc từ chức. Gia đình ông sống trong tình trạng bị cắt điện và sắp cạn thực phẩm, chỉ còn gạo và đồ hộp để ăn, theo cố vấn thân cận của ông. Người này cũng cho biết sức khỏe của Tổng thống hiện vẫn ổn.
Đảng của ông Bazoum ngày 9/8 ra tuyên bố nói rằng điều kiện sống của Tổng thống là "tàn nhẫn", "vô nhân đạo" và cho biết gia đình ông không có nước máy, thực phẩm tươi sống, cũng không được tiếp cận dịch vụ y tế.
Mỹ sau đó bày tỏ lo ngại sâu sắc về tình trạng của ông Bazoum. "Mỹ không có lý do gì để nghi ngờ thông tin về điều kiện quản thúc đối với ông Bazoum", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Matt Miller nói với phóng viên.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã điện đàm với ông Bazoum hôm 8/8 về những nỗ lực ngoại giao gần đây, "nhấn mạnh rằng sự an toàn và an ninh của Tổng thống Bazoum cũng như gia đình ông là điều tối quan trọng".
Miller từ chối cung cấp thông tin chi tiết về cuộc điện đàm của Ngoại trưởng Blinken, nhưng cho biết những lo ngại về sức khỏe là lý do Thứ trưởng Ngoại giao Victoria Nuland tìm cách gặp ông Bazoum trong chuyến thăm hôm 7/8. Tuy nhiên, đề nghị của bà Nuland không được chính quyền quân sự Niger chấp thuận.
"Ông ấy đang bị quản thúc nên thời gian càng trôi đi, chúng tôi càng lo ngại", Miller nói thêm.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cũng rất quan ngại về "điều kiện sống tồi tệ" của Tổng thống Niger. "Tổng thư ký tiếp tục bày tỏ lo ngại đối với sức khỏe và sự an toàn của Tổng thống Niger cùng gia đình ông, đồng thời một lần nữa kêu gọi trả tự do ngay lập tức, vô điều kiện và phục hồi tư cách nguyên thủ quốc gia cho ông Bazoum", người phát ngôn của Liên Hợp Quốc cho biết.
Dưới thời Tổng thống Bazoum, Niger tương đối thành công trong việc ngăn chặn cuộc nổi dậy cực đoan tàn phá khu vực Sahel. Quốc gia Tây Phi này cũng trở thành đồng minh quan trọng của phương Tây.
Niger là nước sản xuất uranium lớn thứ bảy trên thế giới, loại nhiên liệu được sử dụng rộng rãi nhất cho năng lượng hạt nhân, càng làm tăng thêm tầm quan trọng chiến lược của quốc gia này.
Huyền Lê (Theo Guardian, Reuters)