"Mỹ nhắc lại lời kêu gọi về việc trả tự do ngay lập tức cho Tổng thống Mohamed Bazoum và gia đình ông", Ngoại trưởng Antony Blinken đăng trên mạng xã hội X, tên mới của Twitter, ngày 8/8.
Ông Blinken không nêu cụ thể nội dung điện đàm với Tổng thống Bazoum cũng như điều kiện hiện nay của ông. Tổng thống Niger đang bị quản thúc tại dinh thự sau khi đội cận vệ tiến hành đảo chính lật đổ ông.
Ngoại trưởng Mỹ trước đó cho biết ngoại giao là cách tốt nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Niger. Ông cũng nhấn mạnh Mỹ ủng hộ sáng kiến của các lãnh đạo Tây Phi về tổ chức hội nghị thượng đỉnh ngày 10/8 để thảo luận tình hình ở Niger, song từ chối bình luận khả năng Washington rút quân khỏi quốc gia Tây Phi.
Lực lượng cận vệ tổng thống Niger dưới quyền chỉ huy của tướng Abdourahamane Tiani ngày 26/7 tiến hành đảo chính, lật đổ tổng thống Bazoum và thành lập chính quyền quân sự. Đây là quốc gia thứ ba ở vùng Sahel rung chuyển vì đảo chính quân sự trong vòng ba năm qua, sau Mali và Burkina Faso.
Mỹ lên án cuộc đảo chính Niger, nhiều lần yêu cầu chính quyền quân sự nhanh chóng thả ông Bazoum. Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 2/8 thông báo rút một phần nhân viên khỏi đại sứ quán ở thủ đô Niamey, đồng thời nâng cảnh báo đi lại với Niger lên cấp 4, mức cao nhất, yêu cầu công dân không đến nước này.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller ngày 8/8 thông báo các khoản tài trợ của Mỹ cho giáo dục, đào tạo quân sự quốc tế, hoạt động gìn giữ hòa bình và hỗ trợ chống khủng bố ở Niger đã bị dừng sau cuộc đảo chính.
"Mỹ vẫn hy vọng và đang cố gắng khôi phục lại trật tự hiến pháp ở Niger sau khi quân đội tiếp quản quyền lực vào cuối tháng trước", ông Miller nói.
Quyền Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland đến thủ đô Niamey của Niger hôm 7/8 và gặp tướng Moussa Salaou Barmou, một trong các lãnh đạo đảo chính và là người phụ trách Bộ Quốc phòng trong chính quyền quân sự Niger.
Bà Nuland đưa ra những biện pháp "giúp phục hồi trật tự dân chủ tại Niger" và cảnh báo hậu quả nếu lực lượng đảo chính không khôi phục chính quyền dân sự, nhưng không thuyết phục được các chỉ huy quân đội Niger. Chính quyền quân sự cũng từ chối cho bà Nuland gặp Tổng thống Bazoum cũng như tướng Tiani.
Huyền Lê (Theo Reuters)