Sáng 8/5, hội nghị tiếp xúc giữa cử tri với người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đơn vị bầu cử số 1 (quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng) được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến đến 53 phường của 3 quận, với hơn 2.400 đại biểu cử tri tham dự.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói tiểu sử, quá trình công tác và lời hứa nếu trúng cử của ông đã gửi đến cử tri bằng văn bản, nên "xin phép trong không khí tâm tình được tâm sự, ôn nghèo kể khổ".
Ông chia sẻ mình sinh năm 1944 (năm Giáp Thân), ở Đông Hội, Từ Sơn, Bắc Ninh, sau này sắp xếp lại thì thuộc huyện Đông Anh, TP Hà Nội.
Sinh ra vào lúc đất nước khó khăn, nhà lại nghèo, thành phần bần cố nông, năm 1946 khi toàn quốc kháng chiến, ông và chị gái được mẹ gánh trong thúng, đi bộ từ Đông Anh lên Thái Nguyên tản cư. Năm 1950, lúc 6 tuổi, ông hồi cư trở về quê và bắt đầu được đi học với ông giáo làng. Khi lên lớp 4, cả 2 xã Đông Hội và Mai Lâm mới có một lớp, do cô giáo Đặng Thị Phúc giảng dạy.
Khi lên lớp 5, do quê nhà không có trường nên ông phải sang học nhờ ở huyện Gia Lâm. Hàng ngày, ông phải đi quãng đường dài đến trường, trong đó có những bãi tha ma và phải vượt qua sông Đuống. Nhà không có đồng hồ, không biết mấy giờ nên lúc đó ông phải dậy rất sớm, đi bộ ra ngồi bờ sông chờ đò. Khi qua sông Đuống rồi, cậu học trò phải đi bộ qua Gia Lâm, Gia Thượng, Ngọc Lâm rồi đến trường, chờ đến sáng vào học.
Khi lớn lên, ông cũng như các bạn, viết thư tình nguyện vào Nam chiến đấu nhưng không được chấp nhận với lời giải thích "có người phải đi chiến đấu nhưng cũng phải có người phải ở lại học để khi thắng lợi còn xây dựng đất nước". Ông tiếp tục việc học, đi thi học sinh giỏi Văn toàn quốc và được tuyển thẳng vào Đại học Tổng hợp khoa Văn, học xong về Tạp chí Cộng sản công tác từ năm 1967.
Hơn 30 năm sau, ông được chuyển lên làm công tác tư tưởng, chính trị, giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương. Từ 1996, ông được phân công về Hà Nội làm Phó bí thư Thành ủy, phụ trách khối Đại học và Cao đẳng. Sau một thời gian, ông lên Trung ương, rồi về Hà Nội làm Bí thư Thành ủy từ 2000 cho đến 2006.
Theo Tổng bí thư, năm nay ông đã 77 tuổi, làm đại biểu Quốc hội bốn khóa, Chủ tịch Quốc hội hai khóa, Uỷ viên Trung ương 7 khóa, Uỷ viên Bộ Chính trị 6 khóa, rồi làm Tổng Bí thư, Chủ tịch nước. "Tại họp báo sau Đại hội Đảng XIII, tôi đã nói năm nay cao tuổi rồi, sức khoẻ có hạn, xin không ứng cử nhưng Trung ương quyết định, Đại hội bầu, là đảng viên nên phải chấp hành", Tổng bí thư kể.
"Nay xin tâm sự thật, cũng là ngậm ngùi tuổi Thân (sinh 1944, năm Giáp Thân) ở chỗ đó, vất vả từ bé", ông nói và cho biết, sở dĩ có được sự tiến bộ như hiện nay là nhờ sự giúp đỡ của nhân dân, sự giáo dục của Đảng...
"Nếu lần này lại được làm đại biểu Quốc hội, đó là vinh dự lớn, nhưng vẫn ngậm ngùi tuổi Thân", Tổng bí thư nói.
Cử tri Nguyễn Thị Ngọc Diễm (phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng) cho hay gia đình Tổng bí thư sống cùng phường, "gần gũi cởi mở và có nhiều đóng góp tại cộng đồng". Bà mong muốn Tổng bí thư cùng các ứng viên quan tâm đến mục tiêu xây dựng đất nước đến năm 2025, 2030, 2045 và mục tiêu xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã nêu trong nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Còn cử tri Nguyễn Quốc Thước (Phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình) kể lại thời gian ông làm đại biểu Quốc hội và nhắn nhủ các ứng viên "nếu trúng cử phải biết hy sinh vì lợi ích quốc gia dân tộc, vì nhân dân".
Cảm ơn ý kiến đóng góp của cử tri, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, Quốc hội khóa XV chắc chắn sẽ tốt hơn khóa trước vì triển vọng của Việt Nam "phải đi lên chứ không tụt hậu".
Trong điều kiện đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Tổng bí thư nêu rõ cả hệ thống chính trị phải là một khối thống nhất dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện, tuyệt đối của Đảng, trong đó Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân.
"Cấp trên, cán bộ phải gương mẫu, Đại biểu Quốc hội phải xứng đáng là đại diện của dân, do dân, vì dân. Như tôi đã nói nhiều lần, người trên ở chẳng chính ngôi, khiến cho kẻ dưới chúng tôi hỗn hào", Tổng bí thư nói và cho rằng, từng đại biểu Quốc hội, trong đó có bản thân phải làm tròn trách nhiệm, "không được cua cậy càng cá cậy vây, cùng với sự đoàn kết của cả dân tộc, góp phần xây dựng đất nước".
Đơn vị bầu cử số 1 (các quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng) có năm ứng viên gồm Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng; ông Nguyễn Trúc Anh (Giám đốc Sở Quy hoạch - kiến trúc Hà Nội), Thiếu tướng Nguyễn Quốc Duyệt (Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô), bà Nguyễn Thị Hà Tuyên (Phó hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Văn Thụ) và ông Vũ Tiến Vượng (nghiên cứu viên khoa kinh tế và phát triển nông thôn, Học viện Nông nghiệp Việt Nam).
TP Hà Nội có 49 ứng cử viên Quốc hội khóa XV, phân bổ theo 10 đơn vị bầu cử; trong đó 9 đơn vị có 5 ứng viên (sẽ bầu 3 đại biểu), một đơn vị có 4 ứng viên (sẽ bầu 2).
Số lượng đại biểu được bầu của thủ đô là 29 (trong dự kiến tổng số 500 đại biểu Quốc hội khóa mới).