Lễ kỷ niệm và đón nhận Huân chương Độc lập hạng ba của trường THPT Nguyễn Gia Thiều được tổ chức sáng 14/11. Về lại trường xưa, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ôn lại những kỷ niệm trong 6 năm học ở đây. "Tôi đã được nhà trường dạy dỗ đầy tâm huyết. Từ đáy lòng, tôi xin chân thành cảm ơn và không bao giờ quên", ông Nguyễn Phú Trọng nói.
Thời Tổng bí thư học, trường lớp còn chật chội. Sân đất, nhà tranh, mái lá, phòng thí nghiệm, thư viện... đều thiếu thốn. Từ lớp 5 (12 tuổi), ông vượt qua hàng chục km đến trường, trong đó có những bãi tha ma, qua sông Đuống. Nhà không có đồng hồ, không biết mấy giờ nên ông dậy sớm ra ngồi bờ sông chờ đò. Sau khi qua sông Đuống, ông đi bộ qua Gia Lâm, Gia Thượng, Ngọc Lâm rồi vào trường.
Sau một thời gian, ông cùng bạn ở trọ để đỡ vất vả. Tuần hai buổi, cứ học xong là ông cùng bạn học Ngô Bá Dục vào khu vực kho xăng Đức Giang dạy bình dân học vụ. Mỗi giờ được nhận thù lao 6 hào, một buổi tối dạy hai giờ. "Đó là số tiền lớn vì lúc bấy giờ lương công nhân, cán bộ nhà nước chỉ 1,3 đồng 5 xu. Chúng tôi lấy tiền đó sinh hoạt, học tập, ở trọ, tự nấu nướng", Tổng bí thư kể.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dự lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Trường THPT Nguyễn Gia Thiều, sáng 14/11. Ảnh: Viết Thành
Năm 1962, khi đang học lớp 10B do thầy Lê Đức Giảng làm chủ nhiệm, trường tổ chức thi viết báo. Lớp được giải thưởng, trong đó ông Trọng viết một bài thơ nhan đề "Năm cuối cùng của đời học phổ thông" với cảm xúc "rất ngây thơ nhưng chân thành".
Tổng bí thư, Chủ tịch nước đã đọc bốn câu đầu và bốn câu cuối. Bốn câu đầu thể hiện niềm vui: "Tôi vui tôi sướng biết bao nhiêu/ Tôi học 10B Nguyễn Gia Thiều/ Nay đã trở nên người anh cả/ Cuộc đời vui bay bổng cánh diều". Bốn câu cuối bày tỏ trăn trở: "Làm gì đây cho đời thêm ý nghĩa/ Năm cuối cùng của đời học phổ thông/ Hay cứ để cuộc đời trôi lặng lẽ/ Theo thời gian tẻ ngắt, lạnh lùng".
Người đứng đầu Đảng, Nhà nước cho biết rất vui mừng khi trường đã phát triển về cả quy mô, chất lượng. Trường khang trang, sạch đẹp hơn, các điều kiện, phương tiện học tập hiện đại, đầy đủ. Trình độ và chất lượng giáo dục, đào tạo cũng ngày càng cao hơn. "Tôi tin rằng với truyền thống 70 năm xây dựng, trưởng thành, với nhiều thành tích và kinh nghiệm đã tích lũy được, thời gian tới trường THPT Nguyễn Gia Thiều sẽ tiếp tục phát triển", Tổng bí thư, Chủ tịch nước nói.

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trò chuyện với đại biểu về dự lễ thành lập trường. Ảnh: Viết Thành
Trước đó, trình bày chặng đường xây dựng, phát triển và thành tích nổi bật của trường Nguyễn Gia Thiều, Hiệu trưởng Lê Trung Kiên cho biết trường được thành lập năm 1950 tại tỉnh Bắc Ninh. Năm 1951, trường chuyển về phố Ngọc Lâm, quận Long Biên, Hà Nội.
Trường hiện có 2.000 học sinh với 95 cán bộ, giáo viên, nhân viên; 100% giáo viên có trình độ đào tạo đạt chuẩn, trong đó 55% có trình độ đào tạo trên chuẩn. 10 năm gần đây, trường có 20 giáo viên đoạt giải tại hội thi giáo viên dạy giỏi cấp thành phố; tỷ lệ học sinh xếp loại học lực giỏi tăng từ 25,27% lên 61%. Năm học 2019-2020, toàn trường có 98,24% học sinh xếp loại học lực giỏi và khá, tăng 4,93% so với năm học 2018-2019.

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tặng hoa chúc mừng nhà giáo Lê Đức Giảng. Ảnh: Viết Thành
Trung bình mỗi năm, trường có 23 em đoạt giải trong cuộc thi học sinh giỏi lớp 12 cấp thành phố. Năm học 2019-2020, trường có 28 học sinh đoạt giải. Tỷ lệ học sinh hàng năm đỗ đại học đạt từ 70% đến 90%.
Đánh trống khai giảng THPT Nguyễn Gia Thiều năm 2014, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: "Thế hệ học sinh chúng tôi nay đã ở tuổi thất thập cổ lai hy. Mỗi người một hoàn cảnh, công việc nhưng thi thoảng vẫn gặp nhau trao đổi thân tình và rất vui mừng trước sự phát triển của trường. Chúng tôi biết ơn thầy cô, ông bà bố mẹ và không bao giờ quên một thời thanh niên sôi nổi".