Thứ hai, 27/1/2025
Thứ bảy, 9/7/2022, 11:00 (GMT+7)

Tôm hùm truyền cảm hứng cho làng mốt gần 90 năm

Tôm hùm có nghĩa đặc biệt với thời trang thế giới, thách thức sức sáng tạo của các nhà thiết kế lừng danh qua 85 năm.

Tôm hùm được xem là tên viết tắt chủ nghĩa siêu thực trong thời trang, xuất phát từ "Lobster Telephone" (Điện thoại tôm hùm) của Salvador Dalí - một trong những họa sĩ có ảnh hưởng lớn nhất thế kỷ 20. Năm 1936, Dalí đã tạo ra tác phẩm này cho nhà thơ người Anh Edward James (1907-1984), một nhà sưu tập nghệ thuật siêu thực hàng đầu. "Điện thoại tôm hùm" khoảng 15x30x17 cm, là sự kết hợp giữa một chiếc điện thoại hoạt động bình thường và một con tôm hùm làm bằng thạch cao - thứ không liên quan đến nghệ thuật. Dalí tin rằng những đồ vật như vậy có thể tiết lộ những mong muốn thầm kín của con người một vô thức. Ảnh: Salvador Dalí

Người mẫu Wallis Simpson diện váy tôm hùm của Elsa Schiaparelli. Bức ảnh do Cecil Beaton chụp ngày 1/6/1937. Ảnh: Vogue

Tác phẩm của Dalí truyền cảm hứng cho Elsa Schiaparelli - nhà thiết kế nổi tiếng với những ý tưởng độc đáo, siêu thực. Dali xem tôm hùm là biểu tượng của tình dục. Trong cuốn sách "Nevertheless, She Wore It: 50 Iconic Fashion Moments", tác giả Ann Shen viết: "Váy tôm hùm cho thấy sức mạnh của sự đổi mới và trao quyền tình dục ở một người phụ nữ - điều mà nghệ thuật và thời trang có thể tác động".

Cùng Dalí, thiên tài Italy được xem là hai người đầu tiên đưa tôm hùm vào thế giới thời trang trong bộ sưu tập năm 1937 của Schiaparelli. Thiết kế gây tiếng vang lớn, ảnh hưởng sâu rộng đến làng mốt qua nhiều thập niên và trở thành dấu ấn đặc biệt trong sự nghiệp của Schiaparelli. Cùng kể từ đó, trong thời trang, nhắc tới tôm hùm là nhắc đến chủ nghĩa siêu thực.

Bộ đầm làm bằng organza, dáng chữ A với dải thắt lưng đỏ kèm hình một con tôm hùm lớn do Salvador Dalí vẽ. Chiếc váy cũng được trang trí thêm hình ảnh nhánh rau mùi tây, dài 132 cm, vòng eo 56 cm. Dali định vẽ thêm mayonnaise nhưng Schiaparelli đã ngăn cản. Năm 1969, Schiaparelli đã tặng bản sao chiếc váy này cho Bảo tàng Nghệ thuật Philadelphia. Bản gốc của thiết kế hiện được trưng bày tại triển lãm "Shocking! The Surreal World of Elsa Schiaparelli" tại Paris. Ảnh: Vogue

Sau Schiaparelli, nhiều nhà thiết kế nổi tiếng tiếp tục đưa tôm hùm "sống" trong thời trang. Năm 1944, Charles James thiết kế đầm La Sirene frock mang những nếp gấp lấy cảm hứng từ thân tôm. Ảnh: Chicago History Museum

Năm 2006, Dior sáng tạo váy tôm hùm cùng mũ đội đầu đồng điệu ở show Haute Couture Thu 2006. Ảnh: Dior

Trong một show diễn năm 2010, Lady Gaga gây ấn tượng khi đội mũ tôm hùm do Philip Treacy thực hiện. Vogue đánh giá thiết kế là một trong những khoảnh khắc thời trang kinh điển của làng mốt. Ảnh: Vogue

Thom Browne thường xuyên đưa loài giáp xác này lên thiết kế. Ông từng gây chú ý với găng tay mô phỏng càng tôm hùm trong bộ sưu tập Xuân Hè 2012 (trái) và chân váy xếp tầng mô phỏng thân tôm ở sưu tập Pre-fall 2022. Ảnh: Gorunway

Tương tự, blazer, quần chinos, áo khoác dài của ông trong show Xuân Hè 2013 và 2019 đều thêu hình loài vật này. Ảnh: Gorunway

Năm 2013, Tsumori Chisato đưa họa tiết tôm hùm lên các thiết kế trong bộ sưu tập Thu Đông 2013. Ảnh: Gorunway

Cùng năm, Miuccia Prada thiết kế váy tôm hùm để đánh dấu triển lãm "Schiaparelli và Prada: Impossible Conversations" tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan ở New York. Bộ đầm đã được tổng biên tập Vogue Mỹ Anna Wintour diện tại Met Gala 2013. Chiếc váy cũng được cựu giám đốc sáng tạo Bertrand Guyon của Schiaparelli làm lại cho bộ sưu tập thời trang cao cấp mùa xuân 2017. Bộ đầm của ông tốn khoảng 250 giờ thực hiện với sáu người thợ. Phần hình tôm hùm được khâu hoàn toàn bằng tay trên váy.

Váy tôm hùm với kỹ thuật bất đối xứng của Maison Margiela trong bộ sưu tập Haute Couture Thu 2014. Ảnh: Indigitalimages

Show Haute Couture Xuân 2017 của Schiaparelli tôn vinh người tiền nhiệm bằng váy tôm hùm bất đối xứng. Ảnh: Indigital.tv

Dolce & Gabbana từng đính hình tôm hùm, sao biển... lên chân váy cảm hứng đại dương trong show Xuân Hè 2017. Ảnh: Indigital.tv

Ý Ly