Một đứa trẻ khi được 2 tuổi, sau thời gian nghe cha mẹ, người thân nói, trẻ mới bắt đầu mở miệng nói những âm cơ bản, và thông thường sẽ nói sai, và phát ra âm không tròn trịa. Tuy nhiên người làm cha làm mẹ không sửa nhiều mà vẫn lắng nghe cho đến khi tới 5-6 tuổi. Cha mẹ biết rằng đó là quá trình đầu tiên của việc nói.
Nếu họ sửa lúc đó cũng không được. Giống như việc bạn bắt đầu đạp xe đạp. Bạn sẽ ngã ở những lần chạy đầu tiên để có thể giữ thăng bằng trong những lần tiếp theo. Hoặc một người tập bơi thì sẽ phải lặn hụp uống nước một vài lần để có thể bơi được trong môi trường nước.
Những lần đầu tiên bạn sẽ nói sai, do vị trí lưỡi và hơi vẫn chưa đúng chỗ. Tuy nhiên bạn phải nói. Khi bạn nói nhiều thì bạn sẽ quen với việc phát âm. Phần lớn học sinh học ngoại ngữ đều không thể phát âm đúng ngay lần đầu, giống như việc học bơi và đi xe đạp. Tuy nhiên các bạn rất ngại nói. Nguyên nhân của việc ngại nói có thể do tâm lí tự ti từ việc học trên lớp.
>> Tôi phí tiền học hai khóa tiếng Anh tại trung tâm
Ví dụ trong lớp học ngoại ngữ 20 bạn, bạn A phát âm không được một âm khó. Nếu thầy cô sửa trực tiếp mà vẫn phát âm không được thì bạn ấy cảm thấy mình không có năng lực ngoại ngữ. Quan trọng hơn, 19 bạn còn lại cảm thấy rất áp lực vì sắp tới lượt mình. Trường hợp bạn A phát âm được ngay lần đầu tiên thì được cho là có "năng khiếu ngoại ngữ", còn các bạn khác phát âm không được giống bạn A thì sẽ tự ti với bản thân mình và cho rằng mình không có năng khiếu ngoại ngữ.
Cả hai trường hợp đều làm mất đi động lực học ngoại ngữ của học sinh. Và từ đó, họ rất ngại khi mở miệng ra giao tiếp. Nhiệm vụ của người dạy ngoại ngữ không phải chỉ ra cái yếu kém của học sinh trước mặt những học sinh khác, học sinh yếu nên họ mới cần thầy cô giúp đỡ. Nếu bạn chỉ ra các điểm yếu mà không có giải pháp thì họ sẽ bỏ bạn ra đi mà không lời từ biệt. Tuy nhiên trong các trường học hiện giờ học sinh phải " học mòn" ngoại ngữ vì nó là một môn bắt buộc. Học sinh phải học để thi, chứ không phải để sử dụng.
>> 'Tây balô' dạy tiếng Anh và tư cách sư phạm
Để giải quyết vấn nạn này cần sự kết hợp giữa người học và người dạy. Việc của người học là phải mạnh dạn mở miệng nói, luyện tập nói cho thật nhiều, còn công việc của người dạy là có phương pháp tiếp cận giúp cho học sinh mở miệng nói. Nếu học sinh không phát âm được một âm nào đó thì người dạy sẽ đặt câu một số lượng lớn có chứa đựng "âm tiết" đó cho học sinh luyện tập nói. Câu càng có ý nghĩa, càng thông dụng thì động lực học tập sẽ càng cao. Giáo trình chỉ là tài liệu để tham khảo, nó cập nhật không kịp thời đại và nó không giải quyết được vấn đề của học sinh.
Hôm trước tôi còn thấy quyển sách dạy chào hỏi là "How do you do". Nó không sai nhưng không còn thông dụng nữa. Nếu người dạy chỉ dựa vào giáo trình để dạy mà không tìm hiểu cái khó khăn của học sinh và đưa ra giải pháp phù hợp thì rất dễ bị thay thế bởi công nghệ AI.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.