Đọc một số bài viết gần đây nói về việc chủ đất đòi thêm tiền sau khi đã đạt thoả thuận với người mua, tôi cũng muốn chia sẻ câu chuyện của mình.
Đầu năm 2019, trong nhà tôi sẵn có tiền mặt do kinh doanh thuận lợi, tôi muốn mua một lô đất để dành cho con trai. Suốt một tháng trời đi lùng sục khắp bán kính 20 km quanh nhà mà không tìm được một mảnh đất nào ưng ý.
Miếng đất giá cả hợp lý, không vướng tranh chấp thì hình thể đầu voi đuôi chuột, không đẹp. Miếng đất vuông vắn đẹp đẽ thì vướng tranh chấp vợ chồng ly hôn chia tài sản, người vợ kêu một giá còn ông chồng thì giá khác cao hơn.
Đợt đó tôi cũng tốn bộn tiền cà phê, ăn nhậu với các cò nhưng vẫn không tìm được. Ai từng tìm mua đất cũng đều hiểu tình trạng này. Có người chỉ đi xem đất một lần rồi ưng ý, mua ngay nhưng cũng có người đi mãi mà vẫn không tìm được mảnh đất hợp nhãn.
Thế là từ đầu năm đến gần giữa năm tôi mới tìm được một miếng đất ở vị trí khá đẹp, lại nở hậu nên đồng ý mua ngay với giá 1,2 tỷ đồng. Lúc viết giấy cọc tiền, người bán than khổ mới bán đất nên năn nỉ tôi có cho thêm được vài chục triệu không, chứ mảnh đất này là của ông bà để lại, bán đi họ cũng đứt ruột. Vì thời gian tìm mua cũng lâu, tôi thấy được sự chân thành của người bán nên đã tăng thêm 50 triệu thành 1,25 tỷ đồng, họ cảm ơn rối rít.
>> Thanh lọc 'mua đất để không, lời tiền tỷ'
Hiện tại một số người muốn bắt đáy bất động sản, muốn trả giá giảm thật sâu vì chủ đất đã lời nhiều, nhưng cũng cần phân biệt đất đó là dạng nền đầu tư lướt sóng, nay họ bán cắt lỗ (thực ra là cắt lời) hay là đất chính chủ từ xưa đến giờ, nay cần tiền nên họ mới bán.
Nếu gặp dạng đất này mà trả giá sâu như vậy thì khó mà mua được, nếu mua được thì cũng tội cho người bán. Ra chợ mua mớ rau, con cá nhiều người còn trả giá, kỳ kèo bớt một thêm hai thì người bán đất có quyền đòi tăng tiền lên, miễn sau chưa ký giấy, chưa phạm luật là được.
Nguyễn Trọng
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.