Hồi còn đi học, tôi ghét nhất bạc nitrat. Chẳng phải vì nó bạc mình, mà bởi nó có phản ứng rất khác người. Mỗi lần thấy bạc nitrat tôi lại rủa thầm trong bụng, vì đó lại là một phản ứng đặc biệt nữa phải ghi nhớ. Đặng còn thi.
Chứ bình thường cũng chẳng hay thấy nó hay những acid mà hợp chất này phản ứng, chứ đừng nói là đổ chúng lại với nhau.
Dạo gần đây nổi lên tranh luận về chương trình học của các em học sinh, mà hầu như độc giả nào cũng một thời nếm trải. Có nhiều người nói đạo hàm, tích phân không cần thiết, song cũng có người phản bác lại rằng "Anh không dùng nhưng người khác dùng".
Đúng. Chẳng kiến thức nào không có ứng dụng. Song trên đời có hàng ngàn ngành nghề với các kiến thức căn bản khác nhau, chẳng nhẽ ta bắt các em phải học hết để "sau này còn dùng".
Chẳng hạn, ngành XNK-logistics chúng tôi (một ngành mũi nhọn với lực lượng lao động lớn) rất cần biết các điều khoản giao hàng, song tôi chẳng thấy các em học sinh được học CIF FOB là gì.
Cho tôi hỏi những người nói rằng nghề của họ đang dùng tích phân đạo hàm: Các bạn có đang ứng dụng các phản ứng hóa học của bạc nitrat không? Các bạn có tính tần suất hoán vị tổ hợp không? Các kiến thức này với bạn cũng vô dụng như đạo hàm tích phân với kỹ sư hóa chất hay bác sĩ.
Một phản bác khác là để "rèn tư duy". Vâng, vì IQ là thước đó duy nhất của tư duy, và đạo hàm tích phân cũng là cách duy nhất để rèn IQ. Học sinh không cần rèn tư duy phản biện hay sáng tạo hay mấy cái trời ơi đất hỡi ấy, mà chỉ cần giải toán nhoay nhoáy - với điều kiện là câu hỏi phải đúng dạng đề cơ.
Cứ ra đề có chút thực tiễn như đề Toán lớp 10 của TP HCM thì nhiều em khóc, không làm được. Nói như thế, tức kiến thức học sinh được dạy phải có sự chọn lọc.
Tôi nghĩ, nếu đã gọi là kiến thức phổ thông, thì nó phải có tính ứng dụng phổ biến. Nếu một kiến thức sẽ cần thiết cho 5% lực lượng lao động sau này, thì tại sao 95% còn lại cũng phải học để thi - rồi để quên béng đi?
Sao 5% các em cần không học các kiến thức đó tại đại học hay trường nghề sau này? Kỹ năng sống hạn chế, đến mức rất nhiều em còn không biết làm việc nhà. Song chúng ta vẫn rất kiên trì phân bổ quỹ thời gian giới hạn của các em cho những kiến thức mà, nói thật, phần lớn sẽ quên hết chỉ một năm sau khi tốt nghiệp.
Mỗi năm có hơn một triệu học sinh tốt nghiệp phổ thông. Thời gian để các em rèn luyện thể chất, tương tác xã hội, phát triển kỹ năng mềm, hay đơn giản là được sống đúng tuổi của mình, lại được dùng để nhồi rồi lại thải ra. Kiến thức học sinh Việt vừa dư lại vừa thiếu, sao lại ta không phân bổ lại cho hợp lý?
Theo tôi, chỉ có ba nhóm kiến thức nên được đưa vào chương trình giáo dục phổ thông. Các kiến thức còn lại nên chuyển lên giáo dục bậc cao, khi các em đã có định hướng rõ ràng hơn.
Nên đẩy mạnh các kỹ năng trong chương trình giáo dục, để được chú trọng ít nhất ngang với các công thức Toán Lý Hóa các em đang học.
1. Kiến thức thường gặp: Các kiến thức mà ít nhất 50% học sinh sẽ sử dụng sau này, như toán cơ bản, tiếng Anh, Giáo Dục Công Dân, Tin học, kỹ năng sống, quản lý tài chính, tư duy phản biện...
2. Kiến thức hiếm gặp, nhưng ứng dụng rất cao nếu xảy ra: Như cách sơ cứu, cách xử lý khi cháy nhà, cách phát hiện các dấu hiệu lở đất, cách bảo vệ bản thân trước lừa đảo...
3. Kiến thức nhập môn nền tảng để giúp các em làm quen và dần xác định hướng đi của mình: Thay vì biết tính tốc độ truyền sóng, các em chỉ cần biết cơ bản về truyền sóng âm. Những em nào thấy phù hợp sẽ theo học sâu hơn theo chương trình riêng, lúc đó những em thích toán tha hồ giải tích phân, những em yêu hóa tha hồ trộn bạc nitrat với bất cứ chất gì em tìm được.
Với giáo dục phổ thông, hãy bớt dạy các em tính toán cao siêu, mà hãy chỉ các em thấy tác động hay ứng dụng của nó trong cuộc sống của mình. Các công thức cao hơn đó sẽ dành cho các chương trình học cao hơn, để mỗi ngành học sẽ chọn các công thức phù hợp cho mình (Ví dụ như Toán có hai mảng Hình học và Đại số, Lý có Động lực học, Quang học, Nhiệt học, Điện từ trường, Âm học... song vẫn thi trong cùng một môn, trong khi một ngành cụ thể sẽ không sử dụng hết tất cả các mảng đó).
Còn chương trình phổ thông đại trà nên vừa được lồng ghép thực tiễn, vừa được giảm tải hết mức để vừa đủ cho các em ghi nhớ đến sau này. Bởi thà rằng học hai nhưng nhớ hai, còn hơn học 10 để rồi chỉ đọng lại mỗi một.
Đã đến lúc ngành giáo dục cần nghiêm túc cân nhắc định nghĩa "phổ thông" của mình. Bớt ôm đồm lãng phí thời gian của học sinh để các em có thể phát triển cân đối cả trí tuệ, thể chất, quan hệ, lẫn tinh thần; đồng thời khiến việc đi học thực sự có hiệu quả lâu dài trong suốt phần đời còn lại của các em, thay vì như phần lớn chúng ta - "chữ thầy trả lại cho thầy".
*Quan điểm của bạn thế nào?
Chia sẻ bài viết về địa chỉ email: bandoc@vnexpress.net hoặc ấn vào box bên dưới.
Thỏ