Vừa mới tốt nghiệp đại học ngành kỹ sư hóa, tôi khởi đầu sự nghiệp tại một phòng kiểm định chất lượng của một công ty sản xuất sơn.
Quá trình "training" của tôi là một chuỗi ngày quan sát thao tác, thực hiện thao tác dưới sự giám sát của người huấn luyện, và đọc các tài liệu hướng dẫn quy trình của từng thao tác. Phải hơn ba tháng sau, tôi mới được tự mình làm việc mà không cần sự giám sát.
Sau vài năm, tôi chuyển sang một nhà máy hóa chất khác. Quy trình làm việc ở nơi này cực kỳ nghiêm ngặt, với những quy định tỉ mỉ về mọi động tác trong quá trình làm việc.
Để sản xuất một mẻ hóa chất có những thao tác nào, dụng cụ nào, thông số nào, mọi thứ đều được ghi ra rõ từng bước, và người lao động phải làm theo từng bước trong quy trình, không được làm khác đi dù chỉ một chút.
Mỗi khi có bất kỳ một sự kiện đe dọa an toàn hay chất lượng sản phẩm, sẽ có một quy trình để xem xét vấn đề, tìm ra nguyên nhân, và thay đổi để điều trị tận gốc vấn đề.
Các quy trình thao tác được đặt ra bởi các kỹ sư, sau một quá trình thiết kế, nghiên cứu, và thực nghiệm. khi được đưa vào sản xuất thì thời gian đầu các kỹ sư phải "đứng máy", trực tiếp sản xuất để rút kinh nghiệm.
Khi quy trình đã hoàn chỉnh thì các kỹ sư mới tập luyện cho công nhân. Khi các công nhân có thể vận hành đầy đủ dây chuyền sản xuất đó thì các kỹ sư vẫn phải trông coi, tiếp tục chỉnh sửa khi cần thiết.
Khi một nhà máy được xây mới ở Việt Nam thì nhiều người lại đặt ra câu hỏi là, liệu lực lượng lao động của Việt Nam có khả năng vận hành nhà máy đấy không?
Vấn đề thật ra không nằm nhiều ở trình độ kỹ thuật của người lao động.Vấn đề lớn nhất trong việc sử dụng lao động ở Việt Nam nằm ở mức độ kỷ luật và khả năng bám sát quy trình của người lao động.
Đa phần các lĩnh vực sản xuất khi đến Việt Nam thì đã trải qua giai đoạn "R&D" (Research and Development tạm dịch: Nghiên cứu và phát triển) từ trước, đã được phát triển hoàn chỉnh và chỉ cần thực hiện nữa thôi.
Đây chính là nguyên nhân vì sao ngay cả các kỹ sư ở Việt Nam vẫn hay nói rằng chả ai dùng tới đạo hàm và tích phân cả. Mấy thứ đó chỉ được dùng khi kỹ sư còn đang loay hoay với các ý tưởng trên giấy, mà các công đoạn đấy thì thường đã được phát triển ở nước khác rồi.
Khi công đoạn sản xuất đã tới Việt Nam, cái cần thiết là một lực lượng lao động lớn có thể sản xuất "trăm cái như một".
Kiểm định chất lượng được thực hiện ở giai đoạn cuối của chế biến sản phẩm, nhưng để đảm bảo chất lượng sản phẩm thì người chế biến phải trăm người như một, tất cả đều phải làm mọi thứ như nhau, giống nhau, luôn luôn tuân thủ quy trình mọi nơi mọi lúc.
Nguyên tắc này là điều quý giá nhất mà tôi học được sau những ngày tháng loay hoay bên cạnh thùng dụng cụ to tướng và các loại máy móc được thiết kế bởi các kỹ sư Mỹ.
Trong sản xuất công nghiệp, cần rất nhiều những người biết "làm cái gì và làm chính xác", những người biết "vì sao lại làm như vậy" thì cũng rất cần, nhưng số lượng lại rất ít.
Đối với những người làm quản lý, thì cần phải bỏ công dạy dỗ, "training" mọi nhân viên làm đúng theo quy trình. Còn khi sơ sót xảy ra thì phải xem xét nguyên nhân, là do quy trình không được tuân thủ, hay là do quy trình không phù hợp với hoàn cảnh, rồi tìm cách thay đổi quy trình cho phù hợp.
Ngày nay tôi đã trở thành luật sư. Điều khiến tôi cảm thấy ấn tượng nhất trong nghề luật là khả năng tuân theo quy trình của các trợ lý luật (paralegal). Đây là các trợ lý với vai trò tương tự y tá bên cạnh bác sĩ.
Mỗi công ty luật đều có quy trình khác nhau và mỗi luật sư thường có quy trình riêng. Vì lý do nào đó mà mọi trợ lý luật đều ghi nhớ và tuân thủ theo quy trình của từng luật sư mà họ giúp đỡ.
Hóa ra là họ được huấn luyện như vậy từ lúc còn đi học trường nghề, và các trợ lý luật luôn có một cuốn sổ tay để ghi chép những gì mà các luật sư dặn dò, kèm theo cả các ý thích và quy trình riêng của từng luật sư.
Chính vì thế mà các "sản phẩm" của luật sư, lúc ra lò đều có "tính cách" giống nhau, cho dù trợ lý của luật sư là ai đi chăng nữa.
Khanh Huỳnh