Đồng nghiệp của tôi đang phân vân không biết nên tặng iPad hay laptop cho đứa cháu nhân dịp Giáng sinh đang đến gần. Cháu của chị năm nay học lớp 7 ở quê và đang phải học online hết học kỳ này.
Theo mô tả, gia đình cháu của chị không thiếu thốn. Nhưng mỗi lần gọi video call về nhà, chị cảm thấy xót khi nhìn đứa cháu trai duy nhất của gia đình phải học online bằng chiếc điện thoại.
Chị quyết định sẽ mua tặng cháu một thiết bị có màn hình lớn hơn vừa để học, vừa để giải trí. Chị sợ sự hà tiện của anh chị ở quê làm lỡ nhịp tiếp cận công nghệ thông tin của đứa cháu trai.
>>Hai đứa trẻ bàn về ôtô 1,6 tỷ đồng
"iPad hay laptop và giá trên hay dưới 10 triệu đồng sẽ giúp cháu học và chơi tốt hơn?" - chị hỏi tôi. Vì là một người bố có con đã lớn, tôi trả lời chị rằng nên tặng laptop dưới 10 triệu đồng để cháu vừa học, vừa "vọc" máy tính. Như vậy thật đúng với nhu cầu và mong muốn của chị.
Tôi còn khuyên thêm rằng trước khi mua, nên gọi điện hỏi ý kiến của bố mẹ cháu là điều cần thiết và tốt hơn hết. Bởi lẽ chắc hẳn một lý do nào đó mà anh chị của bạn tôi không mua cho con.
Một chuyện khác: tôi từng có mặt ở tiệm đồ chơi và thấy một đứa bé giãy nãy đòi bố mẹ mua bằng được mô hình siêu nhân. Dù cho bà mẹ nói rằng ở nhà đã có rất nhiều.
Tặng quà cho trẻ con là một nhu cầu của người lớn. Vừa là người lớn, vừa là bố, tôi cũng có tâm lý giống như chị đồng nghiệp và nhiều bậc phụ huynh khác.
Gia đình tôi trước đây có truyền thống tặng quà vào dịp Giáng sinh để khích lệ con trai cố gắng học tập. Chọn dịp này vì đây là thời điểm cuối năm, các nhãn hàng quà tặng, đồ chơi tung ra nhiều khuyến mãi. Đây cũng đúng lúc bọn trẻ chuẩn bị kết thúc học kỳ một của năm học, việc tặng quà như sự khích lệ con cái học tập.
>> Thương con kiểu lão Hạc khiến nhiều người Việt khổ
Một phần lý do đến từ sự muốn bù đắp cho con cái những gì mà hồi còn nhỏ tôi không có được. Tuổi thơ của tôi thiếu thốn, khó khăn. Bố mẹ phải đi làm ăn xa, ba anh em tôi ở với ông bà. Thời gian ở với bố mẹ còn thiếu chứ nói gì đến những món quà, đồ chơi.
Chính vì hiểu rõ điều này nên lúc kinh tế gia đình nhỏ khởi sắc hơn, tôi lại bù đắp cho con bằng những món quà tặng giá trị vào mỗi dịp 1/6 (Quốc tế thiếu nhi) và Giáng sinh.
Bắt đầu từ lúc con học lớp 3, khi đã nhận thức được tiền và giá trị của đồ đạc, vợ chồng tôi đã bắt đầu tặng quà để động viên con cố gắng học tập, đồng thời giúp con có một tuổi thơ đầy đủ hơn.
Giá trị của những phần quà bắt đầu từ thấp đến cao: đồng hồ, xe đạp, máy chơi game, máy tính bảng... Nhưng đến năm lớp 8 con mong muốn được tặng xe đạp điện để đi học thì tôi không đáp ứng, vì nhận thấy con chưa đủ khả năng tự đi học một mình, đường sá nhiều xe cộ, rất nguy hiểm. Vậy là cậu con của tôi giận lẫy, bỏ ăn, không thèm nói chuyện với bố mẹ suốt cả tuần lễ. Sau khi thấy được sự cương quyết của chúng tôi, cậu con mới bắt đầu xuống nước.
Vợ tôi bảo thật may khi dừng việc thoả mãn yêu cầu của con đúng lúc. Vì "nếu không uốn nắn kịp thời, sau này con đòi mua trực thăng nếu không sẽ doạ tự tử thì chắc cũng phải bán nhà để mua".
Nhìn lại những món đồ đắt tiền đã mua nhưng con bị bỏ xó, chỉ xài vài lần vì chóng chán, tôi đã nhận ra sai lầm của mình và quyết định dừng việc tặng quà đắt tiền.
>> Cha mẹ già tích lũy tiền làm gì nếu không cho con?
Tôi không chủ động thoả mãn nhu cầu vật chất của con nữa. Bây giờ, hoặc là cả nhà sẽ đi du lịch vào dịp hè hoặc đi ăn chung nhân dịp gì đó. Những thứ như xe máy, laptop... thì khi nào con trình bày lý do hợp lý thì chúng tôi mới đồng ý mua.
Tác giả Sasaki Masami trong bộ sách Trẻ em trong gia đình nói rằng: "Sở dĩ trẻ đòi bố mẹ mua đồ chơi là vì thiếu tình yêu thương từ bố mẹ. Khi cha mẹ không thể dành tâm trí, thể xác và thời gian để đáp ứng những nhu cầu của trẻ, trẻ bắt đầu tìm đến những món đồ do người khác làm ra".
Ngẫm lại tôi thấy thật đúng. Có lẽ đây cũng là lý do xuất hiện ngày càng nhiều cậu ấm cô chiêu vì những bà mẹ, ông bố chiều chuộng con quá mức?
Trương Phúc
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.