Ở bài viết này, thay vì nói đến những hạn chế của mạng xã hội Facebook như thu thập dữ liệu cá nhân, nghe lén thông tin người dùng... tôi xin chia sẻ cách chúng ta sử dụng mạng xã hội.
Nổi bật lên đó là vấn đề người già dùng mạng xã hội. Vấn đề này tồn tại đã lâu nhưng ít ai để ý đến.
Bố mẹ tôi năm nay 65 tuổi. Anh em tôi làm việc ở thành phố nên quê nhà chỉ còn mỗi hai cụ sống với nhau quanh ruộng vườn. Những lúc về thăm nhà, tôi thấy đời sống tinh thần của ba mẹ mình khá nhạt nhẽo.
Các món vui chơi, giải trí hầu như đều thông qua các chương trình TV. Nhưng ngay cả các chương trình TV bây giờ nhiều lúc cũng không hợp "khẩu vị" của người già. Bố tôi thường phàn nàn: "Các cô các cậu trên tivi bây giờ nói từ lóng, người già không theo kịp".
>> Bạn bè tôi ai cũng là người giàu trên Facebook
Tôi hiểu ý các cụ là có một số chương trình, bàn luận nêu các vấn đề xuất phát từ trên mạng xã hội, ví dụ như Khá Bảnh... thì có lẽ chỉ những người có dùng Facebook, lướt newsfeed vài thông tin về anh chàng này thì mới có sẵn thông tin nền và giúp hiểu vấn đề mau hơn. Còn như bố tôi, khi nghe thời sự nói về Khá Bảnh thì phải có người kể rõ rành mạch thì mới hiểu được.
Quê tôi cũng hạn chế về mặt sách báo. Khi thấy bố mẹ của bạn bè dùng Facebook, tôi thấy mình có nhiệm vụ phải phổ cập mạng xã hội cho bố mẹ tôi. Tôi đã quyết định mua một chiếc iPad, kéo mạng wifi, tạo một tài khoản Facebook cho bố, hướng dẫn bố cách dùng mạng xã hội này. Mẹ tôi thích xem TV hơn nên không dùng iPad.
Tôi cũng hướng dẫn luôn các gọi điện, trò chuyện với con cháu khi các cụ muốn. Thậm chí tôi còn viết, vẽ lại cách dùng để tránh việc cụ bị quên. Tôi đã dành cả kỳ nghỉ Tết 2019 để "dạy" bố học những việc này.
Và dường như sai lầm của tôi cũng bắt đầu từ đây. Từ ngày dùng mạng xã hội, bố tôi như một người khác. Lúc thì ông bức xúc, bình luận quá đà khi đọc được một tin giả nào đó. Khi thì share một video có chứa tin giả với giọng điệu hậm hực.
Đặc biệt ông rất chăm chỉ đăng hình để đếm like. Những bức hình hoa lá, làm vườn, mẹ tôi nấu ăn... được ông đăng lên rồi chờ mọi người, họ hàng vào like, bình luận. Hôm nào không có ai tương tác thì ông gọi tôi hỏi "mạng bị gì mà không thấy ai vào xem".
>>Tôi lãng phí nhiều thời gian cho Facebook, Youtube
Chưa kể, từ ngày phát hiện chức năng livestream của Facebook, bố mẹ tôi thường xuyên livestream hát karaoke ở nhà, lúc đi đám cưới, đám giỗ... Kèm theo đó là tag hàng chục người vào mỗi status "Chào buổi sáng", "Chúc buổi tối vui vẻ"...
Rồi chính bố mẹ tôi cũng là nạn nhân của bọn bán thuốc lừa đảo trên Facebook. Bố mẹ bỏ ra mấy triệu bạc mua thuốc "đông y" trị đau lưng nhức mỏi được quảng cáo. Tiền thì đã tiêu nhưng uống mãi vẫn không giảm bệnh...
Đến lúc này tôi phân vân rất nhiều việc mình hướng dẫn bố tôi dùng mạng xã hội là đúng hay sai. Trong khi mục đích chính của tôi là giúp các cụ có thứ giải trí và liên lạc với con cháu ở xa.
Ánh Hồng
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.