Theo nghiên cứu do Đơn vị Khoa học Hành vi thuộc FBI và Trung tâm vì Trẻ em mất tích và bị lợi dụng phối hợp công bố năm 2010, kẻ ấu dâm được chia làm hai loại chính là ưu tiên và tình huống.
Kẻ ấu dâm ưu tiên không hứng thú với người trưởng thành và coi trẻ em là đối tượng duy nhất. Loại ưu tiên được chia ra làm hai loại nhỏ hơn là gắn bó và ác dâm.
Theo đó, kẻ ấu dâm loại gắn bó muốn trở nên gần gũi và thân cận với trẻ em thông qua các thủ đoạn chăn dắt như tặng quà để chiếm lòng tin và tín nhiệm. Thông thường, những kẻ này ít tương tác với người trưởng thành và chỉ muốn ở bên trẻ em. Trong nhiều trường hợp, chúng có thể bộc lộ nhiều nét tính cách và hành vi trẻ con, cũng không thể hiện sự hung hăng. Kẻ ấu dâm loại này không muốn gây thương tích cho đứa trẻ, và việc xâm hại tình dục thường xảy ra muộn.
Ngược lại, kẻ ấu dâm dạng ác dâm không có sự gắn kết cảm xúc với trẻ em mà chỉ có nhu cầu thỏa mãn ham muốn bằng cách gây ra đau đớn cho nạn nhân. Chúng thường không quen biết trước đứa trẻ, theo dõi trước khi gây án. Một số kẻ còn tra tấn nạn nhân rồi đoạt mạng.
Ở loại ấu dâm tình huống, tội phạm thường chọn nạn nhân dựa trên cơ hội hoặc mức độ dễ tiếp cận. Chúng không thực sự hứng thú với trẻ em nhưng sẽ gây án nếu đây là đối tượng duy nhất có thể tiếp cận.
Kẻ phạm tội tình huống lại được chia làm bốn loại nhỏ hơn là: không đủ năng lực nhận thức, thay thế, không phân biệt về mặt đạo đức, và không phân biệt về mặt tình dục.
Thông thường, kẻ ấu dâm không đủ năng lực nhận thức bị một số chứng rối loạn thần kinh (ví dụ như loạn thần, lão suy) khiến không có khả năng biết được đâu là điều được phép và không được phép. Những kẻ này thường bị người xung quanh đánh giá là "kỳ cục" hoặc "bất thường" nên thường ở một mình và bị xa lánh. Loại tội phạm này có thể động chạm vào cơ thể trẻ em nhưng không xâm hại tình dục. Chúng không hứng thú với trẻ em, chỉ gây án vì thấy nạn nhân không đáng sợ.
Kẻ ấu dâm dạng thay thế thường thể hiện kỹ năng sống kém và lòng tự trọng thấp. Với những kẻ này, trẻ em chỉ là sự thay thế khi thiếu vắng người trưởng thành. Việc chọn gây án với trẻ em có tính chất tạm thời vì chúng sẽ chuyển sang người trưởng thành khi có thể.
Loại thứ ba là những kẻ không phân biệt về mặt đạo đức. Chúng sẽ xâm hại người thân, bạn bè, và cả người lạ mặt nếu việc xâm hại khiến hắn thỏa mãn nhu cầu.
Cuối cùng, những kẻ không phân biệt về tình dục là dạng tội phạm gây án vì chỉ muốn thử cảm giác khác và mới mẻ so với hoạt động thông thường.
Kết quả nghiên cứu chỉ ra động cơ gây án của những kẻ ấu dâm không nhất thiết chỉ thuộc vào một phân loại như trên. Chúng có thể bộc lộ cả động cơ và hành vi gây án thuộc loại ưu tiên hoặc tình huống, nhưng thường sẽ có một loại nổi trội hơn.
Việc phân loại kẻ ấu dâm có thể hỗ trợ quá trình điều tra phá án. Ví dụ, nếu biết nghi phạm thuộc loại gắn bó, chuyên gia có thể đoán được rằng hắn đã có nhiều nạn nhân trong quá khứ và nhiều khả năng đã chụp ảnh nhạy cảm để có thể uy hiếp các em giữ bí mật hoặc để dụ dỗ con mồi tiếp theo. Với kiến thức ấy, chuyên gia có thể mở rộng phạm vi cuộc điều tra, biết cách hỏi nạn nhân, và tìm được thêm chứng cứ buộc tội.
Bên cạnh đó, việc phân loại còn có thể giúp ích cho các chuyên gia tâm lý học pháp y khi được yêu cầu đánh giá và điều trị những kẻ đã bị khởi tố hoặc kết tội xâm hại tình dục trẻ em. Ví dụ, tùy động cơ gây án mà một số dạng ấu dâm có khả năng tái phạm nhiều hơn các loại khác, kéo theo thay đổi trong biện pháp điều trị hoặc án phạt.
Quốc Đạt (Theo Psychology Today)