Gần đây, câu chuyện 'mua nhà hay ở thuê?', 'chen chân vào nội đô giá cao hay ra ngoại thành sinh sống?' ở Việt Nam đang gây nhiều tranh luận trái chiều. Tôi ở Đức, nhận thấy một điều là nhiều người dân ở đây không mua nhà. Thay vào đó, họ ở nhà thuê là chủ yếu. Theo thống kê, năm 2023, 52,4% người dân Đức thuê nhà, cao nhất châu Âu. Tỷ lệ này ở Pháp là 36,9%, Tây Ban Nha (24.7%) và Ba Lan (12,7%). Có một vài lý do sau khiến xu hướng thuê nhà tăng cao ở Đức:
Thứ nhất, Chính phủ Đức xây dựng nhiều căn hộ thuộc quyền quản lý của công ty nhà nước, giá cho thuê rất hợp lý so với thị trường. Nhà rất khó thuê nhưng một khi đã vào ở rồi thì coi như bạn được quyền ở đó gần như suốt đời, trừ khi chủ động rời đi. Có người đã lấy nhà từ rất lâu, 10-20 năm trước, khi giá thuê còn rất rẻ, nhưng giá tăng rất ít theo thời gian, nên họ chẳng bao giờ rời đi. Tôi trước kia cũng lên kế hoạch mua nhà, nhưng nếu được thuê những căn nhà này, tôi sẽ chẳng cố mua làm gì, thà để tiền đó đầu tư cái khác.
Thứ hai, giá thuê được nhà nước ưu đãi cho người có thu nhập thấp, ví dụ như ưu tiên những người có tiền lương không quá mức quy định. Vì thế nhiều người lách luật bằng cách đi làm bảng lương thấp, rồi nhận tiền tay, thuê nhà, và để tiền đó mua xe sang, đầu tư, hay sống thoải mái. Những người này dư sức mua mấy căn nhà bằng tiền mặt, nhưng họ không làm vậy. Họ có thể không vay được ngân hàng để mua nhà vì bảng lương thấp, nhưng họ cũng không cần.
Thứ ba, luật thuê nhà ở Đức bảo vệ chủ, nhưng cũng đồng thời bảo vệ người thuê nhà. Bạn đã thuê nhà thì rất khó bị đuổi, đặc biệt nếu bạn có con nhỏ, mang thai hay mất sức lao động. Muốn đuổi mà người thuê chây ỳ thì chủ nhà phải thuê luật sư, tốn kém, nhức đầu về pháp lý dân sự, lại mất thời gian (đồng nghĩa mất tiền thuê nhà). Vì vậy, người chủ nhà thường lựa chọn người thuê rất kỹ về tài chính, tính cách...
>> 'Rất vô lý khi bắt người trẻ phải tăng thu nhập để chạy theo giá nhà'
Thứ tư, khi thuê nhà, các khoản tiền thuế đất, chi phí sửa chữa nhà cửa, người thuê đều không phải trả. Nếu nhà hỏng hóc thì chủ nhà trả tiền sửa, còn nếu do người thuê gây ra thì họ cũng thường mua bảo hiểm từ trước.
Thứ năm, giao thông ở Đức thuận tiện, nên bạn thuê nhà ở đâu xa trung tâm chút cũng vẫn có thể đi làm được, tuy hơi lâu, nhưng giá rẻ. Ví dụ, tôi đi từ Berlin xuống Postdam, cách 30 km, chỉ mất khoảng 45-60 phút đi tàu.
Thứ sáu, nước Đức rộng lớn, cơ hội học hành và lao động ở khắp nơi, nên năm nay bạn ở Berlin, năm sau có thể dọn qua Munich, năm sau nữa lại qua Hamburg. Vì vậy, trừ người già, hay người sống an phận ít thay đổi, còn lại người trẻ và trung niên vẫn lựa chọn thuê nhà để linh hoạt cho công việc, sinh sống.
Hơn nữa, các công ty ở Đức cũng thường lựa chọn các thành phố nhỏ, giá nhà rẻ để giảm chi phí vận hành. Ví dụ như Audi AG đặt trụ sở ở Ingolstadt, một thành phố nhỏ phía nam, chứ không chọn Munich. Thế nên người Đức cũng không cố vào ở trong trung tâm sống cho bằng được.
Trong một bài viết trước cùng chủ đề, độc giả Minh Phương từng chia sẻ câu chuyện về một người bạn chọn thuê chung cư sang trọng, dành tiền mua ôtô, sống hưởng thụ. Nhưng rồi, tới khi công việc gặp trục trặc, tài chính sụt giảm, cô gái mới cảm thấy tiếc nuối vì vẫn không có nhà, còn ôtô đã lỗi thời, mất giá. Kết quả khảo sát trên VnExpess cho thấy 82% độc giả ủng hộ phương án mua nhà thay vì ở thuê để sắm xe hơi:
Duy Nguyen
- Cả đời tiết kiệm mua nhà cho con
- 'Tôi chọn mua ôtô để sống sướng hơn mua nhà'
- Đánh đổi 10 năm tuổi trẻ làm con nợ để thoát cảnh thuê nhà Sài Gòn
- Tiếc nuối vì mua ôtô nhưng thuê nhà
- 'Nếu không liều mua chung cư khi chỉ có một tỷ đồng, giờ chắc vợ chồng tôi khóc'
- 'Có 2 tỷ đồng thì thuê nhà, mua ôtô cho khỏe'