Tiền có thực sự đem lại hạnh phúc không? Với cá nhân tôi, khi không có tiền (thiếu tiền) thì bạn sẽ thấy hạnh phúc khi có tiền. Nhưng khi đã có tiền, và muốn có được tình yêu lý tưởng nhưng không đạt được, thì bạn sẽ không thấy hạnh phúc. Hoặc khi có tiền bạn mà bị bệnh hiểm nghèo, lúc đó bạn chỉ muốn hết bệnh chứ không thấy hạnh phúc dù lúc đó có nhiều tiền.
Nhưng ngược lại, nếu ông trời lấy hết tiền của bạn, khiến bạn phá sản, không có tiền đủ sống, nhưng cho lại bạn một người yêu lý tưởng, cho bạn sức khỏe dồi dào, thì thử hỏi tiền khi ấy có đem lại cho bạn hạnh phúc không? Tóm lại, nếu một người biết tư duy đúng đắn thì họ sẽ thấy hạnh phúc nếu có tiền. Con người sống trên đời này không thể thiếu những nhu cầu cơ bản như ăn, mặc, ngủ... Và tiền sẽ giúp con người có được những nhu cầu đó.
Nếu tôi sống chỉ vì bản thân mình thôi thì đủ tiền sống là cũng đã là hạnh phúc rồi, không cần nhiều. Nhưng nếu nghĩ cho người thân của mình nữa thì ít tiền (chỉ đủ sống) không làm tôi hạnh phúc được. Tôi đã trải qua giai đoạn một mình phải nuôi cả gia đình và người mẹ mắc bệnh nan y. Cũng may là lúc ấy tôi có nhiều tiền để lo cho mẹ và gia đình nên mọi thứ đến giờ vẫn tốt đẹp.
Vì thế, tôi thấy mình quyết định chính xác khi trước kia vẫn cố gắng làm việc ngày 12 tiếng để tích lũy tiền bạc, thay vì chỉ làm vừa đủ tiêu. Sống vì người khác, lo cho người thân ruột thịt của mình tôi mới thấy được mình hạnh phúc. Vậy chẳng phải tiền mang lại hạnh phúc cho tôi đó sao?
>> Tôi vất vả kiếm tiền nhưng chồng hài lòng lương 6 triệu
Tiền đối với người ngoài xã hội rất quan trọng. Tôi có thể bệnh mà không cần điều trị. Nhưng người thân tôi bệnh thì tôi làm gì khi tôi không tiền? Nhìn họ chịu chết vì không có tiền điều trị? Tôi sẽ hạnh phúc khi chứng kiến điều đó? Tóm lại, quan niệm hạnh phúc mỗi người mỗi khác, thậm chí cùng một người nhưng nhu cầu hạnh phúc ở mỗi thời điểm cũng khác nhau.
Tôi là một người học Phật. Phật dạy nên biết đủ để chế ngự lòng tham vô đáy, mang đến đau khổ cho mình và cho người. Nhưng đó là lời răn dành cho những người vì tham lam mà làm việc ác. Tìm hiểu nhiều về giáo lý của Phật, tôi nhận ra rằng Phật không dạy con người hài lòng với cái nghèo, thụ động và không cố gắng. Pháp Phật dạy cho cư sĩ (người theo Phật nhưng không xuất gia) khác hoàn toàn với người đi tu để thoát khỏi luân hồi.
Người cư sĩ tu đúng với lời Phật dạy phải từ nghèo vươn lên hạnh khá, từ người thiếu trí tuệ phải vươn lên thành có trí tuệ, ngày càng hạnh phúc từ tinh thần đến vật chất. Phật dạy đệ tử của mình từ bi, nhưng từ bi thế nào khi chẳng giúp được người khác? Khi ta khá giả ta có thể biết đủ để làm vui. Nhưng khi ta nghèo, ta phải cố gắng để thoát nghèo thì mới an vui được. Trừ khi ta xuất gia thì lúc đó mới không cần kiếm tiền nữa.
Có người phản bác: Tại sao hồi nhỏ tuy nghèo nhưng vẫn vui? Vì lúc đó ta ngây thơ, chưa biết sĩ diện. Đói được ăn no là vui, khát được uống là vui, mệt được ngủ là vui. Vì lúc đó vô tư, không biết lo xa. Nhưng giờ ta còn phải lo cho gia đình, lo cho tuổi già của bản thân, bắt buộc ta phải kiếm nhiều tiền.
- Tuổi 40 đi học lại vì không kiếm ra tiền
- 'Chấp nhận bỏ bê con cái để kiếm tiền bám trụ Hà Nội'
- Tuổi trẻ 'bán mạng' kiếm tiền là sai lầm lớn nhất đời tôi
- Hy sinh tuổi trẻ kiếm tiền còn hơn tuổi già ăn bám
- Những người tin 'tiền mua được hạnh phúc'
- Tôi trả giá đắt vì 'bán mạng' kiếm tiền mua nhà trước tuổi 30