"Ức chế nhất là khi tôi lái xe máy phía sau một số người vừa chạy xe vừa hút thuốc lá. Toàn bộ người phía sau đều bị hít phải khói thuốc độc hại mà người đi trước nhả ra. Dừng chờ đèn đỏ chỉ vài giây, người ta cũng lấy thuốc ra hút rồi vô tư phun khói ra cho mọi người xung quanh hít vào.
Đặc biệt, tôi thấy rất lạ khi đa phần những người xung quanh đều không hề phản ứng gì với người đang hút thuốc lá. Họ và những trẻ nhỏ vẫn chấp nhận đứng hoặc ngồi chung với người hút thuốc nơi công cộng, để khói thuốc bay vào mắt, vào mũi mà vẫn bình thản như không hề có chuyện gì. Trong khi lẽ ra họ nên di chuyển ra chỗ khác để tránh xa người đang hút thuốc lá vô cùng thiếu ý thức đó.
Khi đi họp phụ huynh cho con, tôi đề nghị phụ huynh đến trường đón con chịu khó đừng hút thuốc lá nhằm hạn chế tác hại khói thuốc lá đến trẻ nhỏ, nhưng gần như tất cả những người trong cuộc họp thể hiện thái độ như thể tôi là người từ hành tinh khác đến. Họ còn xì xào với nhau rằng: 'Ông này khó tính, khó ở quá'.
Những người hút thuốc lá nơi công cộng rõ ràng là những thành phần vô cùng thiếu ý thức, còn những người không hút thuốc tại sao cũng thiếu ý thức phản ứng lại tác hại của khói thuốc? Để giảm tác hại của khói thuốc cho cộng đồng, chúng ta nên bắt đầu từ đâu? Theo tôi là từ cả hai phía".
Đó là chia sẻ của độc giả Mytoanhh về những bức xúc trước tình trạng hút thuốc nơi công cộng. Hiện tại, khoảng 22,5% dân số trưởng thành tại Việt Nam sử dụng thuốc lá. Các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM có tỷ lệ hút thuốc cao hơn do mật độ dân cư lớn đi kèm lối sống thành thị. Dù Luật Phòng chống tác hại thuốc lá 2012 đã cấm hút tại nhiều nơi, việc thực thi ở nơi công cộng vẫn chưa hiệu quả. Mới đây, Quốc hội đã thống nhất cấm thuốc lá điện tử từ năm 2025 để bảo đảm sức khỏe cộng đồng.
>> 'Cấm thuốc lá điện tử để thanh niên Việt bớt đua đòi'
Cùng chung nỗi bức xúc khi tham gia giao thông cùng những người phì phèo điếu thuốc, bạn đọc Mr.Trí bình luận: "Tôi đi xe máy sau chiếc xe tải. Tài xế vừa lái xe vừa hút thuốc rồi quăng tàn thuốc còn cháy bay vào trong áo tôi. Một cú sốc do nóng khiến tôi suýt té nhào và cháy hỏng cái áo. Thật sự, tôi chẳng hiểu nổi ý thức của mấy người hút thuốc. Họ hút thuốc nơi công cộng, kể cả khi đang tham gia giao thông... gây mất vệ sinh, nguy hiểm, ảnh hưởng sức khỏe của người khác.
Mong sớm cấm toàn bộ hành vi hút thuốc nơi công cộng để xã hội văn minh. Tôi đã bỏ thuốc lá hơn 20 năm, nhưng giờ có dịp ra quán cà phê ngồi làm việc là thấy khiếp hãi vì y như vào hang khói... Toàn thanh niên, người lớn hút thuốc, chơi game".
"Tôi vào chăm người nhà ở bệnh viện, thấy ngay dưới tấm biển to đùng với nội dung "Không hút thuốc" là hàng chục ông đang nhả khói phì phèo, thực sự không thở nổi. Hay tôi ra công viên, ngồi thư gian một chút mà xung quanh cũng vài người thản nhiên châm thuốc hút, không để ý gì đến sự khó chịu của những người xung quanh. Tôi rất ác cảm với những ai hút thuốc lá nơi công cộng. Nếu có chế tài phạt nặng hành vi hút thuốc nơi công cộng thì quá tốt", độc giả An An nói thêm.
Làm gì để ngăn chặn tình trạng hút thuốc nơi công cộng? Bạn đọc Ktshoangdung cho rằng: "Không biết có mấy quốc gia làm được như Singapore khi quy định chỉ được hút ở một số khu vực cho phép, kiểu như đứng gần thùng rác hay nơi có biển cho phép hút thuốc. Còn lại đa phần cấm hút ở các điểm công cộng kín như trường học, bệnh viện, quán ăn... Nhìn chung, chúng ta cần phải giáo dục ý thức để người dân từ bỏ thuốc lá. Đã cấm thì sẽ phải đi kèm chế tài xử phạt và người phụ trách để bắt người vi phạm. Chừng nào thuốc lá còn rẻ, bia rượu quán nhậu còn nhiều thì nói chuyện cấm nọ kia rất khó".
Trong khi đó, đề xuất giải pháp đánh thuế mạnh với thuốc lá, độc giả Vĩnh Long nêu quan điểm; "Biện pháp giảm thiểu hút thuốc hữu hiệu nhất vẫn là đánh thuế thật nặng trên thuốc lá (sản xuất nội địa cũng như nhập khẩu). Điều đó vừa giúp có thêm tiền cho ngân sách nhà nước, vừa ngăn chặn thanh thiếu niên hút thuốc ngay từ lúc còn trẻ. Khi mỗi bao thuốc có giá bán 250.000 đồng thì tôi tin chỉ còn đại gia mới dám hút thuốc".
- Nhiều đàn ông Việt thích đo nam tính bằng hút thuốc, uống rượu
- Giải quyết vấn đề thuốc lá từ 'cầu', không phải 'cung'
- Tăng cường xử phạt quan trọng hơn mức phạt hút thuốc lá
- Tôi cai thuốc lá thành công sau 15 năm nghiện nặng
- 'Nên cấm hút thuốc lá khi lái xe'