Sau đó, Bộ tổng hợp, so sánh các phương án, trao đổi lại nếu có ý kiến khác; cuối cùng làm báo cáo tổng kết, trình Thủ tướng. Theo luật hiện hành, hàng năm, căn cứ vào điều kiện thực tế, Thủ tướng quyết định cụ thể ngày nghỉ.
Năm nay tình hình có vẻ kịch tính. Cuối tháng 8, Bộ Lao động Thương binh & Xã hội đưa ra hai phương án (trong đó đề xuất chọn phương án nghỉ 7 ngày) để tham khảo ý kiến của 16 bộ, ngành. Bộ Nội vụ và Bộ Giao thông Vận tải đồng tình với đề xuất của Bộ Lao động.
Đầu tháng 9, Tổng liên đoàn Lao động góp ý thêm phương án thứ ba. Đến giữa tháng 9, Bộ Tài chính đề xuất nghỉ 9 ngày, tức ủng hộ phương án còn lại của Bộ Lao động.
Những bộ, ngành còn lại có thể tiếp tục đề xuất cách tính khác. Như vậy, đến nay, có 3 phương án nghỉ Tết (khác nhau ở số ngày, ngày bắt đầu - kết thúc của kỳ nghỉ) để cân nhắc lại, trước khi chọn một phương án trình Thủ tướng.
Doanh nghiệp và người lao động thường sẽ phải chờ đợi thêm nhiều tháng nữa mới biết phương án cuối cùng. Năm ngoái, vấn đề được đem ra bàn từ đầu tháng 10/2021 và ba tháng sau, tháng 1/2022 (tức đầu tháng Chạp), lịch nghỉ chính thức mới ấn định.
Tại sao năm nào cũng bao nhiêu bộ ngành, rồi cả xã hội tranh luận, bàn bạc vì một câu hỏi thường niên: nghỉ Tết khi nào và bao lâu. Câu chuyện này thể hiện một vấn đề lớn hơn, là sự lãng phí nguồn lực và tư duy quản lý thiếu tính khoa học.
Theo tôi, thế giới đã có câu trả lời đơn giản cho loại vấn đề này. Có ba nguyên tắc cơ bản có thể tham khảo áp dụng để xác định kỳ nghỉ Tết hàng năm, chỉ cần xin Thủ tướng duyệt một lần. Từ các năm sau đó, Bộ Lao động Thương binh & Xã hội căn cứ theo nguyên tắc đã được duyệt, tự quyết định, không cần hỏi ý kiến bộ, ban ngành nào nữa; và thông báo trước ít nhất sáu tháng cho cả xã hội có thể lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh và nghỉ Tết thuận lợi từ sớm.
Ba nguyên tắc này gồm:
Thứ nhất, tuân thủ Luật Lao động và tạo điều kiện tốt nhất cho người dân được nghỉ ngơi, kỳ nghỉ nên bắt đầu hai hôm trước Mùng Một Tết, và kéo dài thêm ba ngày Tết, tổng cộng năm ngày.
Thứ hai, nếu năm ngày nghỉ Tết trùng một hay hai ngày nghỉ khác thì sẽ nghỉ bù tương ứng ngay sau ngày nghỉ Tết cuối cùng theo Luật. Nếu ngay sau đó lại là thứ bảy hay chủ nhật thì bù tiếp vào sau ngày nghỉ cuối cùng.
Thứ ba là nguyên tắc bắc cầu. Nếu có một ngày làm việc kẹt giữa các ngày nghỉ, thì cho nghỉ luôn ngày đó, và làm bù vào ngày nghỉ cuối tuần gần nhất. Không bắc cầu nếu có từ hai ngày kẹt giữa trở lên. Nếu kẹt hai ngày không liên tục, thì sẽ nghỉ bắc cầu cả hai, và làm bù hai ngày nghỉ cuối tuần gần nhất, nhưng mỗi tuần chỉ làm bù một ngày.
Nếu Bộ Lao động cho rằng, kỳ nghỉ Tết không nên kéo dài quá, có thể áp dụng nguyên tắc bổ sung: không nghỉ quá 9 ngày. Theo đó, năm nào vượt 9 ngày, thì cắt các ngày thừa cuối, nhưng doanh nghiệp và cơ quan nhà nước phải bố trí cho người lao động nghỉ bù vào lúc thích hợp.
Áp dụng bốn nguyên tắc trên, người dân có thể dễ dàng biết thời gian nghỉ Tết của cả cuốn Lịch Vạn niên.
Những nguyên tắc này cũng có thể áp dụng với tất cả ngày lễ khác, kể cả Quốc khánh. Ngoài Tết, kỳ nghỉ Quốc khánh cũng đang phải xin ý kiến Thủ tướng duyệt từng năm.
Theo phương pháp tôi đề cập, kỳ nghỉ Tết sắp tới sẽ kéo dài 10 ngày, từ 20/01/2023 (29 Tết) tới hết 29/01/2023 (8 Tết). Sau đó, người lao động đi làm bù ngày thứ bảy 4/2/2023, do có một ngày nghỉ bắc cầu. Như đã nói ở trên, nếu thấy nghỉ 10 ngày là quá dài, Bộ có thể áp dụng nguyên tắc bổ sung.
Việc ấn định lịch nghỉ Tết của Việt Nam không đơn giản như lịch nghỉ năm mới ở các nước phương Tây, do Tết cổ truyền là một dịp hồi hương, đoàn tụ lớn của hàng triệu người lao động, liên quan nhiều đến vấn đề di chuyển. Hơn nữa, kỳ nghỉ được tính theo lịch Mặt trăng, áp dụng nguyên tắc nghỉ bù, nên nảy sinh vấn đề ngắn - dài cần cân đối. Tuy vậy, việc này cũng không có gì quá khó để phải huy động "cả hệ thống chính trị vào cuộc".
Một số quốc gia Đông Á khác cũng có các đợt nghỉ lễ cổ truyền. Họ không tốn nhiều công sức vào những cuộc bàn bạc như vậy. Campuchia chẳng hạn, năm nào Bộ Lao động và Dạy nghề cũng tự công bố sớm trước 6-8 tháng một danh sách các ngày nghỉ lễ chính thức có trả lương (paid public holidays) cho cả năm.
Tôi không phản đối việc áp dụng linh hoạt để mỗi năm có một lịch nghỉ Tết khác nhau, nhưng cần thay đổi tư duy quản lý theo tinh thần tăng phân quyền: Chính phủ duyệt nguyên tắc chung; việc triển khai áp dụng do Bộ chủ quản tự quyết.
Làm được như vậy, các bộ, ban ngành sẽ giảm được sự lãng phí thời gian vào những việc không cần thiết; doanh nghiệp và người lao động cũng có thể tính toán được lịch nghỉ, tránh bị động với các kế hoạch sản xuất, kinh doanh.
Vũ Quang Minh