Chiều 6/9, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, cho biết đã có văn bản góp ý với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về phương án nghỉ Tết. Theo kiến nghị của công đoàn, viên chức và người lao động sẽ nghỉ từ ngày 28 tháng chạp đến hết mùng 5 tháng giêng (19-27/1/2023), đi làm trở lại vào mùng 6 và làm bù thứ bảy (28/1/2023).
"Đề xuất này dựa trên nguyện vọng của đông đảo đoàn viên, người lao động mong muốn có thời gian nghỉ Tết dài hơn để về quê, giảm áp lực giao thông và có thời gian sắm Tết", ông Hiểu nói, thêm rằng hai phương án 7 ngày và 9 ngày trước đó đều bất cập khi thời điểm nghỉ trước Tết quá ngắn, chỉ 1-2 ngày. Nghỉ quá muộn thậm chí có thể khiến nhiều người mất cơ hội về nhà đón Tết.
Nhiều công đoàn cơ sở cũng cho rằng hai phương án đang được lấy ý kiến chỉ phù hợp với khối hành chính nhà nước mà chưa sát thực tế với người lao động - lực lượng đông gấp nhiều lần. Lịch áp dụng cho công chức, viên chức song phần lớn doanh nghiệp căn cứ vào đó để bố trí thời gian nghỉ Tết cho lao động. Thực tế càng cho nghỉ Tết muộn, lao động quê xa xin về sớm càng nhiều.
Ông Nguyễn Văn Tân, Chủ tịch Công đoàn Công ty Hosiden (Bắc Giang) - doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử có hơn 5.600 lao động, cho biết phần lớn người lao động quê ở miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ. Năm ngoái, lịch nghỉ Tết Nhâm Dần là ngày 29 tháng chạp, song từ 23 Âm lịch (cúng ông Táo), hơn 400 lao động có quê xa trên 200 km đã xin nghỉ sớm. Cách Tết hai ngày, số lượng lên đến gần nghìn người.
Ông lý giải năm ngoái người lao động phải xin về sớm do nhiều địa phương yêu cầu cách ly để phòng dịch. Doanh nghiệp lường trước được tình hình nên gần một tháng trước Tết đã tăng tốc làm đơn hàng, đồng thời bố trí lao động trong địa phương, quê gần lấp chỗ trống trong các dây chuyền.
Năm nay không còn phải về sớm để cách ly, song ông Tân dự báo người lao động vẫn sẽ xin về sớm trước một vài ngày nếu lịch nghỉ Tết muộn. Công nhân phần lớn có cha mẹ già, con nhỏ, về sớm để sắm Tết cho chỉn chu. Họ có thể áp dụng ngày nghỉ phép và theo thông lệ các công ty cũng sẽ tạo điều kiện cho lao động quê xa. Vì thế sắp xếp cho nghỉ từ 28 Tết là vừa.
"Cứ nghỉ Tết sớm một ngày, lượng công nhân xin nghỉ càng giảm đi", ông Tân nói, lấy ví dụ cụ thể nếu nghỉ từ 29 Tết, tỷ lệ về trước khoảng 15-20% và giảm xuống 8-10% nếu sớm hơn một ngày.
Ông Lưu Kim Hồng, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Nidec (TP HCM), doanh nghiệp có hơn 7.000 lao động, nói phần lớn lao động miền Tây, miền Trung không đồng tình với hai phương án trong dự thảo. TP HCM tập trung hàng triệu công nhân ở các địa phương và người quê miền Bắc, miền Trung nếu di chuyển mất cả ngày. Vé máy bay cận Tết đội giá lên gấp vài lần, lên đến hàng chục triệu nếu đặt khứ hồi và là khoản chi phí quá đắt với người lao động. Nhiều người vì thế phải đi xe khách, tàu hỏa, mất 1-1,5 ngày mới về đến nhà.
"Nếu nghỉ đúng 30 tháng chạp như đề xuất của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội thì trưa mùng 1 Tết họ mới về tới nhà, bắt xe cộ thế nào nếu không tiện đường? Ngành giao thông liệu có bố trí đủ phương tiện vận chuyển hàng triệu người hồi hương?", ông đặt câu hỏi, thêm rằng cơ quan chuyên môn nên bổ sung phương án nghỉ sớm, từ 28 tháng chạp cho người lao động và hoàn toàn có thể hoán đổi, làm bù vào cuối tuần.
Theo phương án đã được Nidec phê duyệt, công nhân sẽ được nghỉ 10 ngày, từ 28 tháng chạp tới hết ngày mùng 7 tháng giêng (19-28/1/2023) và đi làm trở lại vào mùng 8 (ngày 29/1, làm bù). Ngoài 5 ngày nghỉ chính thức, 2 ngày nghỉ bù cuối tuần thì có thêm ngày hoán đổi và cộng ngày nghỉ phép để có kỳ nghỉ kéo dài. Việc cắt ngày phép đưa vào kỳ nghỉ lễ đã được người lao động đồng ý.
Ông Hồng cho biết, doanh nghiệp Nhật Bản nên các kỳ nghỉ lễ, Tết hàng năm đều được lên kế hoạch từ tháng 1, trình ban lãnh đạo để thông qua và áp dụng vào đầu tháng 4 theo năm tài chính của người Nhật. Công nhân vì thế chưa ăn Tết năm nay đã biết lịch nghỉ năm sau, bao nhiêu ngày và từ khi nào. Lên lịch nghỉ sớm, linh hoạt tạo thuận lợi cho đôi bên. Doanh nghiệp chủ động bố trí đơn hàng sản xuất, người lao động sớm nắm lịch để đặt vé tàu xe về quê, đi chơi, sắp xếp kế hoạch cho gia đình. Lao động ở xa, công ty sẽ cho xe ôtô đưa về tận quê.
"Khi xây dựng phương án, cơ quan chuyên môn nên tính toán xem lực lượng nào sẽ chịu tác động nhiều hơn để đưa ra phương án hợp lý, có lợi cho người lao động", ông góp ý.
VnExpress khảo sát hơn 4.500 độc giả từ ngày 5/9 cho kết quả 95% chọn nghỉ từ 28 tháng chạp, 3% chọn nghỉ từ 29 Tết và 2% đồng tình nghỉ vào 30 tháng chạp.
Nghỉ Tết sớm cũng là quan điểm chung của nhiều chuyên gia lẫn doanh nghiệp khối sản xuất. Theo chuyên gia, đặc điểm lao động Việt Nam phần lớn là di cư từ nông thôn lên thành phố, dù thanh niên hay đã lập gia đình thì trong tâm thức vẫn tìm về quê vào dịp Tết. Nhu cầu gắn kết của họ với gia đình ngày càng lớn, nhất là sau những biến cố như đại dịch. Tâm lý người Việt cũng luôn coi trọng thời gian trước giao thừa hơn là sau Tết.
Đại diện nhiều đơn vị giao thông vận tải cũng đồng tình quan điểm nên bố trí thêm ngày nghỉ trước Tết để việc đi lại của người dân dân giãn ra. Hàng không, bến xe đều được giảm tải và nhà xe không bị áp lực tăng chuyến.
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến bộ ngành về hai phương án nghỉ tết Quý Mão. Một là nghỉ 7 ngày từ 29 tháng chạp tới mùng 6 tháng giêng (20-26/1/2023). Hai là nghỉ 9 ngày từ 30 tháng chạp tới mùng 8 tháng giêng (21-29/1/2023).
Cơ quan này đề xuất lựa chọn nghỉ 7 ngày gồm 2 ngày trước và 3 ngày sau Tết, cộng thêm ngày nghỉ bù hàng tuần để đảm bảo "tổng số ngày nghỉ liên tục không quá dài". Nếu theo lịch này, công chức, người lao động cả nước sẽ đi làm lại vào ngày mùng 6 Tết, sau đó nghỉ tiếp thứ bảy, chủ nhật.
Bộ Nội vụ và Bộ Giao thông Vận tải là hai trong số 16 cơ quan đồng tình với Bộ Lao động về phương án nghỉ Tết 7 ngày.
Bộ luật Lao động 2019 quy định người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày sau đây: Tết Dương lịch một ngày (1/1 hàng năm); Tết Âm lịch 5 ngày; một ngày dịp 30/4 và một ngày Quốc tế lao động 1/5; Quốc khánh 2 ngày (2/9 dương lịch và một ngày liền kề trước hoặc sau); Giỗ tổ Hùng Vương một ngày (10/3 âm lịch).
Hàng năm, căn cứ vào điều kiện thực tế, Thủ tướng quyết định cụ thể số ngày nghỉ Tết Âm lịch và dịp Quốc khánh.
Người lao động nếu làm thêm giờ, làm việc ban đêm vào dịp lễ, Tết sẽ được hưởng lương ít nhất 300%, chưa bao gồm tiền lương làm việc trong ngày. Lao động người nước ngoài làm việc tại Việt Nam ngoài các ngày nghỉ lễ hàng năm sẽ được nghỉ thêm một ngày Tết cổ truyền và ngày quốc khánh của nước họ.
Hồng Chiêu