Mỗi năm, cứ đến kỳ tuyển sinh đại học, mọi người lại xôn xao, đứng ngồi không yên với với việc học của lớp trẻ, nhất là bậc đại học. Một số cho rằng học đại học giống một thương vụ đầu tư kinh tế và buộc phải có lời lãi. Chính suy nghĩ đó đã khiến họ tự làm khổ mình và khổ cả con cái khi lựa chọn trường, lựa chọn hướng đi cho tương lai.
Là một người cha có hai con học đại học ra trường và thành đạt, tôi xin chia sẻ vài điều với các bạn. Trước hết, tôi đồng ý với quan điểm "cho con học đại học là một vụ đầu tư". Nhưng vấn đề là ở đây chúng ta đầu tư con người, đầu tư tương lai, chứ không thể tính lời lãi kinh tế gì ở đây hết. Có vụ đầu tư nào mà dù phải dốc cả đồng bạc cuối cùng của mình, thậm chí bán nhà, vay mượn mọi nơi cho con học, nhưng chỉ cần nhìn thấy kết quả học tập tốt, con mình vui vẻ trong lễ tốt nghiệp là bản thân ta đã mãn nguyện?
Vào đại học là bước vào giai đoạn đầu tiên của cuộc sống tự lập, trưởng thành, con cần có một nền tảng, điểm tựa vững chắc để bước đi trên con đường ấy. Mà điểm tựa đó không gì khác phải là tri thức. Cách hấp thụ kiến thức nhanh nhất, hiệu quả nhất là trong trường đại học. Tất nhiên các môi trường khác cũng có thể học được kiến thức, nhưng trường đại học là toàn diện nhất, cơ bản nhất. Vì vậy, việc của cha mẹ là cùng con cố gắng hết mức có thể để con được ngồi trong giảng đường.
>> Tôi xin được việc với bằng đại học trung bình, kinh nghiệm bằng không
Chỉ có điều, tôi muốn lưu ý các vị ba điểm sau:
Thứ nhất, cha mẹ phải nhìn nhận đúng năng lực, sở trường, ước mơ, sở thích của con để định vị đúng hướng đi, giúp con lựa chọn nghành, trường cho chính xác. Bởi vì học sinh phổ thông Việt đa số chưa có tính tự lập cao, nên dễ bị tác động bên ngoài. Nhất là khi bố mẹ, gia đình áp đặt, dẫn đến nhiều lựa chọn hướng đi không chính xác thì hậu quả sẽ rất lớn.
Thứ hai, cha mẹ phải xác định thái độ học tập nghiêm túc, đúng đắn cho con, giúp con hiểu rằng học tập phải luôn là ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn này.
Thứ ba, cha mẹ cần giúp con hiểu rõ khả năng theo đuổi lựa chọn của mình, tránh trường hợp mải lo làm thêm kiếm tiền mà lơ là việc học, không theo kịp chương trình.
Làm tốt được ba điều trên, các sinh viên sẽ kết thúc quá trình học tập trọn vẹn, tốt đẹp. Các bạn cũng không nên quá lo lắng, so sánh các trường đại học trong hay ngoài nước, hoặc giữa các trường trong nước với nhau, bởi vì với sự kiểm duyệt của các ngành chức năng và đặc biệt là sự đầu tư manh mẽ của xã hội vào giáo dục hiện tai không dễ một trường nào có thể tồn tại được nếu chất lượng không đảm bảo.
Tôi có hai con, một đứa học đại học tư thục, một đứa học đại học công lập tại Việt Nam, lần lượt ra trường vào năm 2003 và 2005. Sau đó, các con học sau đại học 18 tháng tại nước ngoài, rồi về nước làm việc cho các tập đoàn nước ngoài. Đến nay cả hai con đều có thu nhập trên dưới ba tỷ đồng một năm (sau thuế) và đều là lãnh đạo chủ chốt tại các công ty mà con quản lý.
Qua thực tế trên, tôi thấy quan trọng nhất vẫn là thái độ học tập của mỗi người, còn chuyện trường lớp chỉ là phụ mà thôi. Và bao giờ cũng vậy, đầu tư cho giáo dục – con người vẫn là thương vụ đầu tư giá trị, xứng đáng nhất.
- Em sinh viên của tôi bỏ học để xuất khẩu lao động Đài Loan
- Chưa tốt nghiệp cấp ba đã đỗ đại học nhờ 'học bạ đẹp'
- Sinh viên năm nhất 'sốc đại học' vì xét tuyển học bạ
- Tôi đổi đời nhờ làm Sales thay vì sống chết với đam mê Sinh học
- Tôi không để con chọn đại học theo ý thích rồi về báo nợ tiền tỷ
- Học đại học trái ngành vẫn 'đè bẹp' người không bằng cấp