Trước nhiều ý kiến về việc dạy và học tiếng Anh ở Việt Nam, tôi cũng muốn chia sẻ câu chuyện học Anh văn của bản thân và một vài quan điểm cá nhân về vấn đề này.
Tôi thuộc thế hệ 9x, đã tốt nghiệp ra trường và đi làm được hơn 3 năm cho một công ty nước ngoài. Hiện tôi đang là một kỹ sư phần mềm, làm việc với các đồng nghiệp và khách hàng (Hàn Quốc, Ấn Độ, Đức, Pháp...) qua email, nhắn tin, gọi điện thoại đều bằng tiếng Anh.
Khả năng sử dụng tiếng Anh của tôi cũng tạm gọi là được. Công việc bây giờ dùng tiếng Anh nhiều, nhưng khi còn là học sinh, tôi cực kỳ ghét môn tiếng Anh. Suốt từ lớp 6 đến lớp 12, lên đại học vẫn ghét, nhưng mức độ đã giảm đi một ít.
>> Con tôi nói tiếng Anh như người bản xứ nhờ YouTube
Tôi ghét môn này không phải vì giáo viên dạy không hay. Cơ bản là vì tôi không có sở thích đối với các môn xã hội, cũng có thể một phần là vì tôi không có năng khiếu ngoại ngữ. Mãi lên tới đại học, tôi mới theo chân mấy đứa bạn đi học thêm Anh văn ở các trung tâm.
Tôi học qua rất nhiều trung tâm. Từ trung tâm ngoại ngữ của các trường đại học, đến những trung tâm nước ngoài, học từ giáo viên Việt Nam đến giáo viên bản ngữ.
Nhưng thường thì tôi không học ở đâu được quá 2 khóa, lâu nhất là được khóa rưỡi. Một phần lười học, một phần những lớp tôi theo học không mở tiếp khóa thứ 2 do không đủ học viên đăng ký. Học như vậy cũng có cái hay. Tôi được tiếp xúc với nhiều thầy cô. Dù là thầy cô người Việt hay người nước ngoài, tôi đều tìm được cái hay, sàng lọc cái dở của mỗi người, từ đó hoàn thiện kỹ năng ngoại ngữ của mình hơn.
>> Học tiếng Anh 10 năm vẫn 'mù', ra nước ngoài một năm thành thục
"Mưa dầm thấm lâu", "kiến tha lâu đầy tổ", hay trong triết học cũng có đề cập "khi tích lũy đủ về lượng sẽ có sự nhảy vọt về chất", nếu bạn học một môn đó đủ nhiều thì bạn sẽ hiểu biết hơn.
Sau 6 năm học Anh Văn phổ thông, cộng thêm khoảng 2 năm lê lết ở các trung tâm, tích lũy đủ "lượng" thì khả năng tiếng Anh của tôi cũng dần cải thiện. Cải thiện ở đây là cải thiện về khả năng giao tiếp, tức có thể nghe và trả lời một số câu cơ bản. Sau đó dần luyện tập thêm, xem tv, phim nước ngoài... cuối cùng tôi đạt được một chút khả năng như bây giờ.
Câu hỏi là tại sao không phải 6 năm ở phổ thông mà phải lên tới đại học tôi mới dành thời gian cho ngoại ngữ. Đó là vì khi lên đại học, tôi mới ý thức được vai trò của ngoại ngữ quan trọng như thế nào.
>> Tôi mất căn bản tiếng Anh vì ám ảnh bị chê phát âm sai
Tôi học kỹ thuật, trong ngành này tài liệu tiếng Việt rất nhiều, nhưng tài liệu tiếng Anh còn phong phú hơn gấp bội. Trong bất kỳ ngành học nào, nếu bạn chịu bỏ thời gian tìm hiểu thêm các kiến thức bên ngoài, một lúc nào đó bạn sẽ thấy rằng tài liệu tiếng Việt không còn đủ cho bạn tham khảo nữa.
Lúc đó, bạn chỉ có hai sự lựa chọn, hoặc tìm tài liệu tiếng nước ngoài (có thể là tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức, ...v.v) hoặc dừng lại và để thắc mắc trong đầu mình mãi mãi dang dở.
Đây cũng là điều đầu tiên tôi muốn chia sẻ, đó là về việc định hướng cho học sinh học ngoại ngữ. Khi còn học cấp 2, tôi luôn luôn nghe ba mẹ nói rằng "Con phải ráng học tốt tiếng Anh, có như vậy sau này mới dễ có việc làm"... tôi chắc rằng những bạn khác cũng được phụ huynh của mình rỉ rả vào tai những lời tương tự.
Nhưng sao lại nói với một đứa học sinh về việc đi làm, việc kiếm tiền trong khi mỗi ngày chúng đều được ba mẹ cho tiền ăn quà vặt, sáng có người đưa đi học, chiều về nhà đã có cơm canh nóng hổi, quần áo giặt thơm tho tươm tất ở nhà? Việc chỉ nói suông như vậy có thể làm cho một bạn học sinh biết được tầm quan trọng của tiếng Anh, chứ chưa thật sự hiểu vai trò của tiếng Anh nói riêng và ngoại ngữ nói chung quan trọng như thế nào.
>> Con tôi giỏi tiếng Anh nhờ karaoke
Thay vì việc lặp đi lặp lại những câu mệnh lệnh đó, sao ba mẹ và thầy cô không tạo hứng thú học ngoại ngữ cho học sinh, ví dụ như chơi trò chơi giải ô chữ, ai thắng sẽ có thưởng, đại loại vậy.
Tôi không phê phán chương trình Anh văn bậc THCS và THPT hiện nay. Nhiều người có thói quen thích phê phán người khác, ít ai chịu nhìn nhận khách quan về một vấn đề nào đó cả.
Việc đánh giá chương trình dạy Anh văn trong nhà trường cũng vậy. Nhà trường dạy thiên về ngữ pháp (vẫn có luyện nghe, nói nhưng không nhiều). Tôi cho đó cũng là điều tốt.
Vì trong ngôn ngữ, ngữ pháp chính là nền móng, không có ngữ pháp thì dù nghe tốt đến đâu, phát âm hay đến mấy cũng không thể trả lời, giao tiếp rõ ràng đủ ý được.
Như bản thân tôi, nếu không có 6 năm tiếng Anh phổ thông luyện ngữ pháp, thì khi lên đại học, tôi cũng không thể đọc hiểu tài liệu, và khi luyện giao tiếp với thầy cô cũng không thể nào tiến nhanh như vậy được.
>> Học tiếng Anh ở Việt Nam 'lạc loài thế giới'
Học ngoại ngữ cũng như chơi ráp hình, bức tranh lớn gồm 4 mảnh ghép nhỏ, đó là "nghe, nói, đọc, viết". Cả bốn miếng ghép đều quan trọng, thiếu bất kỳ mảnh ghép nào, việc học một ngoại ngữ nào đó không thể thành hình được.
"Tiên trách kỷ hậu trách nhân", nếu có việc gì đó không theo ý mình, thì người đầu tiên đáng trách là bản thân chúng ta, sau đó mới đến phê bình người khác.
Thầy cô đã bỏ công sức dạy ngoại ngữ cho chúng ta 6 năm phổ thông, nếu chừng đó thời gian mà vẫn không thể đọc hiểu, hay nghe hiểu được một câu tiếng Anh đơn giản, thì đó là lỗi ở người học chứ không phải ở chương trình dạy.
Hơn nữa, với các bạn thế hệ bây giờ, internet hầu như đã phủ sóng khắp nơi, cơ hội cho các bạn tự học, tự luyện tiếng Anh có rất nhiều mà không cần phải phụ thuộc vào giáo trình dạy ở lớp. Vậy nên nếu các bạn không sử dụng được tiếng Anh (hay bất kỳ ngoại ngữ nào khác) thì lỗi lớn thuộc về các bạn chứ không phải thuộc về thầy cô.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.