Tôi không so bì bao lì xì của con được bao nhiêu để lì xì lại, nên không lo rước nợ nần vào người với bao lì xì 500 nghìn đồng vì với tôi tâm niệm lì xì là cho đi.
Ví dụ tôi có sẵn bao lì xì 100 nghìn, 200 nghìn và 500 nghìn đồng, tôi đi chúc Tết gia đình bà con hay đi chúc Tết ngoại giao. Tùy bé tôi sẽ lì xì 100 nghìn 200 nghìn hoặc 500 nghìn đồng.
Còn lại đối tác hay bà con xa gần ghé chúc Tết lì xì cho con tôi thì bao nhiêu cũng được, bất kể 50 nghìn, 100 nghìn hay 500 nghìn đồng. Tôi không câu nệ là ai đó lì xì con tôi ít thì tôi cũng phải lì xì lại cho con họ ít như thế. Hoặc họ lì xì cho con tôi 500 nghìn đồng là tôi sẽ phải đáp lễ 500 nghìn đồng.
Nếu họ có chê trách tôi thì cũng bình thường. Tôi đâu có nghĩa vụ phải lì xì theo kiểu song song như vậy. Tôi đâu có nhiệm vụ là mở bao lì xì ra xem để mà đối đáp y như tác giả bài viết nói. Sống không câu nệ không so bì không quá ngượng ngùng ý nghĩa của bao lì xì ngày Tết thì tất cả điều vui vẻ hạnh phúc.
Nói cho cùng, lì xì 10 nghìn hay 20 nghìn đồng cũng là quý giá. Các bạn sinh viên đi làm thêm, kiếm được cũng tầm 18 nghìn đồng, cao lắm là 20 nghìn hoặc 25 nghìn đồng cho một giờ làm. Tiền là công sức là phải lao động mới có. Thử hỏi bao nhiêu người đi ăn uống, lúc tính tiền sẽ tip cho người phục vụ 20 nghìn đồng?
Ngày Tết là cơ hội để gặp nhau đoàn viên, hàn huyên chứ không phải để lì xì, biếu xén, nịnh nợ. Nó không nằm ở số tiền mừng, mà nằm ở thiện chí, ý nghĩa tốt đẹp, nên có thể làm theo khả năng của mỗi người. Hãy quay về với quan niệm lì xì lấy may mắn ngày Tết, lì xì năm mới cho vui nhà vui cửa.
Haivy Nguyễn
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.